Tôi bị cao huyết áp đã 2 năm nay. Hiện tại, tôi đang dùng thuốc đều đặn hàng ngày. Tuy uống thuốc thì huyết áp có hạ nhưng người tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống. Tôi thấy nhiều người nói nên mua sâm về uống để tăng cường sức khỏe. Vậy người bị cao huyết áp có dùng sâm được không? Có cách nào giữ huyết áp ổn định và giảm bớt liều thuốc tây không? Mong được tư vấn!
Trả lời:

Chuyên gia trả lời: Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho chúng tôi. Xin được cung cấp đến bạn một số thông tin như sau:

Huyết áp cao là bao nhiêu?

Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch, càng nhiều máu bơm vào tim sẽ khiến động mạch hẹp lại, huyết áp càng cao. Ở người bình thường, chỉ số huyết áp dưới 120/80mmHg. Bạn được xác định bị cao huyết áp khi: Chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và tâm trương ≥ 90mmHg. Cao huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến thị lực. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, cao huyết áp còn dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như suy thận, đột quỵ,... Vì vậy, việc điều trị sớm là rất cần thiết.

Tác dụng phụ của thuốc hạ áp gây mệt mỏi

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới cao huyết áp nhưng chủ yếu là do sinh hoạt không lành mạnh, ăn thừa chất dinh dưỡng, uống rượu bia, thuốc lá và lười vận động. Nếu như thay đổi lối sống không giúp kiểm soát huyết áp thì bạn sẽ phải dùng thuốc. Một vài loại thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp, bao gồm: 

- Thuốc ức chế beta: Giúp ức chế sự co bóp cơ tim, điều hòa nhịp tim.

- Thuốc ức chế men chuyển ACE, thuốc ức chế thụ thể angiotensin: Giúp tăng tính đàn hồi của mạch máu.

- Thuốc chặn canxi: Giúp giãn mạch.

- Thuốc lợi tiểu: Giúp giảm thể tích tuần hoàn.

Tuy nhiên, thuốc hạ áp dùng lâu dài dễ dẫn đến một số tác dụng phụ như: Đi tiểu thường xuyên, giảm lượng kali trong máu (mệt mỏi hoặc chuột rút ở chân), gây hạ huyết áp tư thế đứng, một số nam giới có thể gặp vấn đề rối loạn cương dương hoặc liệt dương, tăng nguy cơ bị bệnh gút, làm tăng lượng đường trong máu nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, lạnh chân tay, trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, ho, đau, nặng ngực hoặc khó thở, gây co thắt mạch ngoại vi, nhức đầu, choáng váng, phát ban, mẫn cảm trên da, suy thận, mất vị giác, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, táo bón,sốt, thiếu máu, khô miệng,…

Người cao huyết áp có dùng sâm được không?

Nhận thức được vấn đề trên, nhiều người đã tìm đến các giải pháp để bồi bổ và tăng cường sức khỏe tổng thể. Nhân sâm được xem là vị thuốc bổ đứng đầu trong Đông y từ hàng nghìn năm, theo thứ tự Sâm Nhung Quế Phụ. Vậy người cao huyết áp có dùng sâm được không? Nhân sâm nói chung, đặc biệt là nhân sâm tươi chưa chế biến không nên dùng cho người bị cao huyết áp bởi loại thuốc bổ này sẽ làm nặng hơn các triệu chứng như:

- Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt

- Mắt mờ, ù tai

- Người và mặt nóng đỏ bừng do huyết áp tăng cao

- Mệt mỏi và thậm chí có thể ngất xỉu.

Như vậy, người bị cao huyết áp không nên dùng sâm và cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn hàng ngày. Ăn ít muối, bổ sung nhiều rau quả tươi, cá, giảm tối thiểu lượng mỡ động vật, đường, tinh bột và kiểm soát cân nặng là cách tốt nhất giúp hạn chế khả năng phát triển bệnh.

Chuyên gia Tim mạch