Tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ và suy thận. Sử dụng thuốc hạ huyết áp là lựa chọn điều trị hàng đầu để giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Nắm vững những thông tin về các loại thuốc hạ huyết áp, cơ chế hoạt động cũng như lưu ý sử dụng sẽ giúp bạn sử dụng thuốc hạ huyết áp an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

tang-huyet-ap-la-can-benh-dan-den-nhieu-bien-chung-nguy-hiem.webp

Tăng huyết áp là căn bệnh dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Các nhóm thuốc hạ huyết áp 

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp như lợi tiểu, chẹn beta,... Mỗi loại đều có chỉ định, tác dụng phụ khác nhau. 

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu là thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị tăng huyết áp. Với cơ chế chủ yếu là làm tăng thải trừ natri và nước ở dịch ngoại bào, giúp giảm áp lực lên động mạch, từ đó làm hạ huyết áp. Có 3 thuốc lợi tiểu chính: Lợi tiểu thiazid, giữ kali và lợi tiểu quai. 

  • Lợi tiểu thiazid: Thuốc có hiệu quả phòng ngừa đột quỵ, đau tim, suy tim và tử vong do tim mạch đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng nên được khuyến cáo sử dụng cho người bị tăng huyết áp đi kèm các vấn đề liên quan đến tim mạch. Các tác dụng phụ có thể gặp là rối loạn điện giải, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng acid uric máu gây ra cơn đau gout. Một số thuốc trong nhóm bao gồm: Chlorthalidone (hygroton), chlorothiazide (Diuril), hydrochlorothiazide, (Hydrodiuril, Microzide), indapamide (Lozol), metolazone (Zaroxolyn). 
  • Lợi tiểu giữ kali: Thường được kết hợp với thuốc lợi tiểu thiazid để hạ huyết áp hiệu quả, đồng thời giữ lượng kali cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc lâu ngày có thể dẫn đến tác dụng không mong muốn như vú to ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi và đau đầu. Các thuốc lợi tiểu giữ kali điển hình như: Amiloride (Midamor), spironolactone (Aldactone), triamterene (Dyrenium).
  • Lợi tiểu quai: Là nhóm thuốc có tác dụng nhanh, mạnh hơn so với các thuốc lợi tiểu khác, thường được dùng trong cơn tăng huyết áp cấp tính hoặc người mắc bị phù do bệnh thận hoặc suy tim. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc là đau đầu, chóng mặt, ù tai, rối loạn điện giải. Một số thuốc lợi tiểu quai thường dùng bao gồm: Bumetanide (Bumex), furosemide (Lasix), torsemide (Demadex).

Các thuốc lợi tiểu kết hợp khác bao gồm: Amiloride hydrochloride/ hydrochlorothiazide (Moduretic), spironolactone/ hydrochlorothiazide (Aldactazide), triamterene/ hydrochlorothiazide (Dyazide, Maxzide).

Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của các chất kích thích ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc được ưu tiên sử dụng cho người bị cao huyết áp kèm đau thắt ngực, đau nửa đầu giúp kiểm soát nhịp tim, phòng ngừa biến chứng đột quỵ.

Tuy nhiên, khi sử dụng nhóm thuốc này, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như tay chân cảm thấy lạnh, rối loạn giấc ngủ, thở khò khè. Một số thuốc chẹn beta điển hình như: Atenolol (Tenormin), acebutolol (Sectral), betaxolol (Kerlone), bisoprolol (Zebeta), metoprolol tartrate (Lopressor), metoprolol succinate (Toprol-XL), madolol (Corgard), pindolol (Visken).

Mặc dù có tác dụng kiểm soát nhịp tim nhưng thuốc chẹn beta cũng có thể làm nặng thêm tình trạng suy tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim. Vì vậy nên tránh sử dụng thuốc cho những trường hợp này.

mot-so-thuoc-ha-huyet-ap-thuoc-nhom-chen-beta.webp

Một số thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm chẹn beta 

Thuốc chẹn kênh calci

Thuốc chẹn kênh calci giúp hạ huyết áp bằng cách ngăn chặn calci xâm nhập vào tế bào cơ trơn của tim và mạch máu, làm giảm tính co của cơ trơn và sức cản thành mạch. Các thuốc chẹn calci thường dùng là: Amlodipine (Norvasc), diltiazem (Cardizem), felodipine (Plendil), nifedipine (Adalat) và verapamil (Calan).

Các tác dụng phụ của thuốc phụ thuộc vào liều dùng, thường gây ra nhức đầu, chóng mặt, đỏ bừng mặt, táo bón, chậm nhịp tim.

Thuốc ức chế men chuyển

Thuốc ức chế men chuyển ngăn cơ thể tạo ra angiotensin II, một loại chất khiến các mạch máu thu hẹp, giúp máu dễ lưu thông trong lòng mạch và làm hạ huyết áp.

Một số thuốc ức chế men chuyển như: Benazepril (Lotensin), captopril (Capoten), enalapril (Vasotec) và lisinopril (Zestril).

Đây là nhóm thuốc hạ huyết áp duy nhất có bằng chứng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, ngất, hạ huyết áp liều đầu. 

Thuốc ức chế trực tiếp renin

Đây là loại thuốc mới giúp ngăn chặn renin - một chất làm tăng huyết áp - giúp làm giãn mạch máu và hạ huyết áp. Hiện nay Aliskiren là loại thuốc duy nhất được dùng. Cần lưu ý không sử dụng ở phụ nữ có thai và cẩn trọng đối với người bị đái tháo đường và bệnh thận.

cac-thuoc-ha-huyet-ap-chua-hoat-chat-aliskiren.webp

Các thuốc hạ huyết áp chứa hoạt chất Aliskiren

Thuốc giãn mạch trực tiếp

Cơ chế của thuốc là làm giãn các cơ ở thành mạch máu, ngăn ngừa co thắt mạch máu, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Thuốc giãn mạch bao gồm: Hydralazine (Apresoline), minoxidil (Loniten). Có thể sử dụng thuốc giãn mạch phối hợp với các thuốc lợi tiểu thiazid và chẹn beta để tránh giữ nước và phản xạ tim nhanh.

Thuốc cường alpha-2

Thuốc cường alpha-2 giúp làm ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, giảm sức cản động mạch ngoại vi, dẫn đến hạ huyết áp. 

Methyldopa (Aldomet), clonidine (Catapres) là các thuốc cường adrenergic đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Lưu ý khi sử dụng không nên ngưng thuốc đột ngột, nên dùng với thiazid để hạn chế giữ nước.

Các thuốc hạ huyết áp khác

Một số thuốc hạ huyết áp khác bao gồm

  • Đối kháng thụ thể Aldosteron: Eplerenone (Inspra), spironolactone (Aldactone).
  • Thuốc chẹn thụ thể beta không chọn lọc: Carvedilol (Coreg), labetalol (Normodyne, Trandate).
  • Thuốc chẹn thụ thể alpha: Doxazosin (Cardura), prazosin (Minipress).

Tùy vào tình trạng sức khỏe, các bệnh lý đi kèm mà bác sĩ sẽ lựa chọn 1 thuốc hoặc phối hợp chúng với nhau để mang lại hiệu quả điều trị cao và an toàn nhất cho từng trường hợp.

su-dung-thuoc-ha-huyet-ap-hang-ngay-de-tranh-bien-chung-nguy-hiem.webp

Sử dụng thuốc hạ huyết áp hàng ngày để tránh biến chứng nguy hiểm

>>> Xem thêm: 10 lời khuyên giúp bạn hỗ trợ điều trị cao huyết áp hiệu quả ngay tại nhà

Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ huyết áp

Một vài lưu ý khi sử dụng thuốc hạ huyết áp bạn cần nhớ để kiểm soát chỉ số huyết áp được tốt hơn.

Tuân thủ điều trị

Việc tuân thủ điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe của người bệnh. Điều này giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến. Bạn nên dùng thuốc đúng liều lượng, hàm lượng, tránh trường hợp quên, quá liều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Thay đổi lối sống

Một trong những biện pháp giúp bạn luôn khỏe mạnh, huyết áp được kiểm soát tốt đó chính là áp dụng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh kết hợp với luyện tập thể dục tăng cường sức khỏe. Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp người bị tăng huyết áp có một lối sống khỏe mạnh hơn 

  • Cắt giảm lượng muối ăn ít hơn 6g mỗi ngày, không quá một thìa cà phê.
  • Khẩu phần ăn ít chất béo, bổ sung nhiều trái cây tươi và rau quả.
  • Không dùng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày. 

Bạn vẫn có thể áp dụng các gợi ý trên kể cả khi bạn không bị tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thay đổi lối sống sớm sẽ giúp bạn không cần phải dùng đến thuốc để trị liệu. 

xay-dung-thuc-don-khoa-hoc-cho-nguoi-bi-cao-huyet-ap.webp

Xây dựng thực đơn khoa học cho người bị cao huyết áp

Kết hợp dùng thảo dược giúp kiểm soát tốt bệnh cao huyết áp

Hiện nay nhiều người bị cao huyết áp đã sử dụng các sản phẩm bổ trợ từ thảo dược để giúp kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp. Các sản phẩm từ thảo dược có chứa các thành phần như cao cần tây, cao tỏi, lá dâu tằm, hoàng bá có tác dụng giảm lipid máu, giãn mạch và từ đó giúp hạ huyết áp. 

Theo nghiên cứu tại Iran năm 2013 đã chỉ ra rằng, chiết xuất cần tây có tác dụng hạ huyết áp từ 23-38 mmHg, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến huyết áp của người bình thường. 

Trong thành phần của cần tây, không những chứa phthalates giúp mở rộng cơ trơn trong mạch máu và giảm huyết áp mà còn có nhiều flavonoid giúp ngăn chặn tình trạng viêm trong mạch máu - yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kết quả này được chứng minh theo nghiên cứu tại Đại học Khoa học Y tế Mashhad, Mashhad, Iran năm 2019.

Hiện nay, có nhiều sản phẩm chứa chiết xuất từ cần tây có tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc để lựa chọn các sản phẩm uy tín, nguồn gốc rõ ràng, đã có nghiên cứu để mang lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

can-tay-giup-giam-luong-lipid-gian-mach-va-ha-huyet-ap.webp

Cần tây giúp làm giảm lượng lipid, giãn mạch và hạ huyết áp

Câu hỏi thường gặp khi sử dụng thuốc hạ huyết áp 

Huyết áp cao là căn bệnh phổ biến nên những vấn đề liên quan đến bệnh lý này đều được mọi người quan tâm. Dưới đây là một số thắc mắc của nhiều người bệnh hiện nay.

Có cần dùng thuốc hạ huyết áp suốt đời không?

Tăng huyết áp là căn bệnh mạn tính nên phải dùng thuốc suốt đời. Nhưng tùy vào tình trạng và mục tiêu điều trị khác nhau của mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định dùng thuốc riêng. Bạn nên thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời.

Bị nhiễm covid 19 có dừng dùng thuốc hạ huyết áp không?

Hãy tiếp tục dùng thuốc như bình thường khi bạn mắc phải Covid 19. Hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng nào về việc dùng thuốc hạ huyết áp trong giai đoạn mắc Covid 19 sẽ gây nguy hiểm đến tình trạng bệnh. 

Việc dùng thuốc hạ huyết áp là một trong những giải pháp giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Hy vọng bài viết này đã cung cấp đầy đủ những thông tin chi tiết giúp bạn dùng thuốc được hiệu quả an toàn, phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào đừng ngần ngại hãy để lại bình luận phía dưới để được giải đáp nhanh nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension-medication 

https://www.nhs.uk/conditions/high-blood-pressure-hypertension/prevention/ 

https://www.drugs.com/condition/hypertension.html