Đa số người bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng, hoặc biểu hiện rất nhẹ, mơ hồ, có thể gặp ở nhiều bệnh khác… Do đó, tăng huyết áp được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”. Bài viết sau sẽ chia sẻ giúp bạn 5 điều cần lưu ý về tăng huyết áp dành cho bạn trong sinh hoạt hàng ngày!

​Triệu chứng thường gặp khi bị tăng huyết áp đó là đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, tức ngực, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, khó thở, nẩy đom đóm… hoặc người bị tăng huyết áp chỉ biết được khi bị biến chứng: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim… Bởi thế, bạn cần chú ý tới 5 điều sau đây:

1. Người bị tăng huyết áp nên chú ý chế độ ăn

Nếu người tăng huyết áp thừa cân, thì phải thực hiện chế độ ăn giảm calo, để giữ cân nặng về mức hợp lý. Chế độ ăn được khuyến cáo hiện nay là:

- Giảm mặn: (ít hơn 6 gam muối mỗi ngày): ăn mặn sẽ tích nước trong máu, gây tăng huyết áp, cần hạn chế các thức ăn chế biến sẵn như giò, chả, thịt xông khói, các món tẩm ướp… vì trong quá trình chế biến những món này thường cho nhiều muối.

- Tăng cường ăn rau quả, trái cây: bổ sung các thức ăn có chứa nhiều kali, magie và các nguyên tố vi lượng khác như khoai tây, rong biển, chuối, dưa hấu. Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo, thịt mỡ, bơ, da các loại gia súc, gia cầm.

- Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 - 22,9 kg/m2. Hạn chế tối đa dùng đường, bánh kẹo ngọt, uống rượu bia. Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào.

- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh bị lạnh đột ngột.

2. Sinh hoạt tình dục điều độ ở người bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp có tác động đến chất lượng khoái cảm ở cả nam và nữ. Tình dục có thể coi như làm một số động tác thể dục, nếu như người tăng huyết áp được điều trị ổn định thì không cần kiêng, trừ trường hợp cảm thấy mệt hoặc bị đau thắt ngực hay suy tim thì cần kiêng. Ngoài ra, một số thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục.

3. Xử trí cấp cứu tại nhà nếu bất ngờ bị đột quỵ do tăng huyết áp

Khẩn trương đỡ người bệnh (tránh bị té ngã chấn thương) nhẹ nhàng nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở; nới rộng quần áo; gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Không nên di chuyển bằng xe máy, vì dễ gây thương tích cho bệnh nhân; không nên chuyển đến viện ở quá xa, trừ khi có chỉ định của chuyên gia, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn. Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Không để nằm chờ xem có khỏe lại không. Không cạo gió, cúng vái…

Sau khi bị tai biến mạch máu não nguời bệnh cần đuợc quan tâm về chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện phục hồi chức năng phần cơ thể bị liệt và phòng ngừa tái phát.

4. Phòng tai biến mạch máu não

Để phòng ngừa tai biến mạch máu não do tăng huyết áp, bạn cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Không nên tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, nhất là với người bị tăng huyết áp. Không nên tắm với nước quá nóng hoặc quá lạnh, tốt nhất nên tắm bằng nước ấm. Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh, lo lắng… Sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi phải điều độ. Ăn nhiều rau quả, kiêng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích. Không nên vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chạy nhanh… Điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, rối loạn nhịp tim…