Cao huyết áp là một trong những bệnh nguy hiểm, gây nên biến chứng tim mạch, thậm chí dẫn đến tử vong. Theo các chuyên gia, người bị cao huyết áp nên thay đổi thói quen sinh hoạt để có được một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài. Vậy, người cao huyết áp cần chú ý những gì? Bài viết này sẽ đưa ra 8 lời khuyên giúp sống lâu cho người bệnh cao huyết áp, hãy cùng tìm hiểu!

Cao huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Bình thường, huyết áp ở mức dưới 120/80mmHg. Gọi là cao huyết áp khi chỉ số này từ 140/90mmHg trở lên trong một thời gian dài. Hầu hết những người cao huyết áp không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh. Vì vậy, cao huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Huyết áp cao có nguyên nhân do: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu, bia. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015, có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; Hơn một nửa dân số ăn thiếu rau/trái cây; Người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây cao huyết áp.

Cao huyết áp có nguy hiểm không?

Trong thực tế, nếu huyết áp cao kéo dài và không được điều trị sẽ gây các biến chứng về tim như: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim,... Bệnh có thể gây biến chứng về não như: Xuất huyết não, nhũn não. Thận cũng sẽ bị ảnh hưởng khi mắc cao huyết áp kéo dài, dẫn đến suy thận. Huyết áp quá cao có thể làm tổn thương đáy mắt, thể hiện như: Mắt mờ, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây biến chứng về mạch máu như phình tách thành động mạch,...

Cao huyết áp là bệnh mạn tính, cần tuân thủ mục tiêu điều trị đúng và lâu dài với huyết áp mục tiêu dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Đây là mức huyết áp an toàn cho người bệnh, giúp làm giảm nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Điều trị để đạt mức huyết áp mục tiêu giúp cơ thể tránh được các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp như:

-  Giảm 40% khả năng bị đứt các mạch máu não.

-  Giảm 50% khả năng bị suy tim mạn tính.

-  Giảm 30% khả năng bị tai biến mạch máu não tái phát,…

Hiện nay, cứ 3 người điều trị cao huyết áp thì có 1 người không đạt huyết áp mục tiêu. Điều đó cũng lý giải, tại sao tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến tim mạch và đột quỵ vẫn nhiều dù họ đã được điều trị. 

8 bí quyết sống lâu cho người bị cao huyết áp

Cao huyết áp không phải là bệnh xa lạ với người dân Việt Nam. Theo thống kê, có tới 13 triệu người dân mắc bệnh này. Để duy trì tuổi thọ lâu hơn, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm, dưới đây là 8 lời khuyên cho người bị cao huyết áp:

Tự đo huyết áp tại nhà

Nhiều người cao huyết áp có tâm lý lo ngại khi đến bệnh viện. Đến khi có vấn đề nghiêm trọng, người bệnh mới đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Vậy nên, để chủ động kiểm soát huyết áp, người bệnh nên tự đo ở nhà hàng ngày. Thời điểm lý tưởng nhất để kiểm tra huyết áp là vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy.

Hạn chế uống rượu, bia

Người mắc bệnh huyết áp cao nhất thiết phải hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất chứa cồn. Bởi chúng sẽ làm tăng kích thích thần kinh, khiến tim hoạt động mạnh hơn, từ đó gây cao huyết áp.

Luôn kiểm soát cân nặng

Thừa cân ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch và huyết áp. Khi cân nặng vượt quá mức cho phép, chứng cao huyết áp sẽ càng dễ xuất hiện. Vì vậy, hãy tăng cường tập luyện thể dục thể thao, cân bằng lại chế độ ăn uống để kiểm soát cân nặng.

Cảnh giác với muối ăn

Muối được coi như “kẻ thù” của bệnh cao huyết áp. Do đó, người bị huyết áp cao không nên sử dụng quá 6g muối mỗi ngày. Bên cạnh đó, những thực phẩm chế biến sẵn như: Thịt hộp, thịt xông khói,... cũng cần loại bỏ khỏi thực đơn vì chúng chứa rất nhiều muối, không tốt cho sức khỏe.

Hạn chế ăn thịt

Khi bị huyết áp cao, bạn phải hạn chế chất béo bão hòa, tốt nhất là nên chọn những loại thịt càng nạc càng tốt. Bạn nên ăn các loại thịt cá, thịt gia cầm (bỏ da) và hạn chế thịt bò, thịt lợn, thịt cừu.

Ăn nhiều rau, trái cây

Rau xanh, trái cây rất tốt cho sức khỏe nói chung và người bị cao huyết áp nói riêng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu khẩu phần ăn chứa càng nhiều kali thì huyết áp càng thấp. Chính vì vậy, các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, nên sử dụng nhiều rau quả chứa hàm lượng lớn kali sẽ rất tốt cho huyết áp cũng như sức khỏe của người bệnh.

Ưu tiên các đồ ăn ít chất béo

Người cao huyết áp nên sử dụng đồ ăn càng ít chất béo càng tốt, chẳng hạn như: Sữa chua không đường, bánh ít kem,…

Ăn các loại ngũ cốc nguyên vỏ

Để đảm bảo nhu cầu tinh bột của cơ thể, người bị huyết áp cao nên ăn các loại ngũ cốc toàn phần như ăn đỗ cả vỏ. Vì vỏ đỗ chứa một hàm lượng chất xơ đáng kể, rất tốt cho sức khỏe người bệnh.

Thu Hằng