Chỉ số huyết áp tâm trương cao là tình trạng không phải quá hiếm gặp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của nó.
Chỉ số huyết áp tâm trương cao là gì?
Huyết áp được xác định bằng 2 chỉ số. Số thứ nhất (hay chỉ số trên) là huyết áp tâm thu - lực tác động của máu lên thành động mạch khi tim co bóp. Số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương - lực tác động của máu lên thành động mạch khi cơ tim được thả lỏng. Ở người bình thường, huyết áp tối ưu là 120/80 mmHg. Một số yếu tố tác động khiến chỉ số này lên cao hơn, gọi là tăng huyết áp.
Có 3 loại tăng huyết áp: Tăng huyết áp tâm thu, tăng huyết áp tâm trương và tăng huyết áp hỗn hợp. Tăng huyết áp tâm trương xảy ra khi chỉ số dưới cao (từ 90 mmHg trở lên), tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người trẻ tuổi.
Khi huyết áp tâm trương cao, mạch máu sẽ trở nên ít đàn hồi, cứng lại và xơ vữa. Tăng huyết áp được biết đến với cái tên “kẻ giết người thầm lặng” bởi những triệu chứng của nó thường thầm lặng và khó nhận biết. Tuy nhiên, một số người bị tăng huyết áp tâm trương có thể gặp các dấu hiệu cảnh báo như sau: Chóng mặt, đau đầu, đổ mồ hôi đêm, khó ngủ, chảy máu mũi, đánh trống ngực, buồn nôn, nhìn mờ,...
Nguyên nhân khiến chỉ số huyết áp tâm trương cao
Hầu hết những trường hợp tăng huyết áp tâm trương đơn độc là không xác định được nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát). Một số ít trường hợp là thứ phát, xảy ra do mắc các rối loạn khác như: Bệnh lý tuyến giáp, thận hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Theo giới chuyên gia, huyết áp tâm trương cao là do các tiểu động mạch trong cơ thể hẹp hơn so với bình thường. Điều này khiến máu chảy qua các động mạch nhỏ bị nén lại, làm tăng huyết áp. Nguyên nhân gây hẹp động mạch vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nồng độ cao bất thường của một số chất làm tăng huyết áp (chẳng hạn như angiotensin) hoặc các cơ trơn ở thành động mạch co thắt quá mức là 2 giả thiết được nhiều chuyên gia đồng ý nhất. Yếu tố di truyền cũng có thể đóng vai trò nhất định trong vấn đề này.
Tuyến giáp hoạt động kém là một trong những nguyên nhân thứ phát phổ biến của tình trạng tăng huyết áp tâm trương. Các bệnh nội tiết làm tăng hàm lượng aldosterone (hormone tuyến cận giáp) hoặc corticosteroid cũng là nguy cơ khiến huyết áp tâm trương cao. Hầu hết các bệnh gây hại cho thận đều có khả năng dẫn đến tăng huyết áp tâm trương bởi chức năng đào thải chất lỏng ra khỏi cơ thể đã bị suy giảm.
Huyết áp tâm trương cao khác biệt với huyết áp tâm thu cao hoặc tăng huyết áp hỗn hợp. Nó thường được kiểm soát tốt với những thay đổi trong lối sống cá nhân, mặc dù các chuyên gia cũng có thể khuyên dùng thuốc. Trên thực tế, nhiều người thường chỉ chú trọng vào việc giảm chỉ số huyết áp tâm thu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, huyết áp tâm trương cao vẫn là yếu tố dự báo các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Đối với hệ tim mạch, bệnh gây suy giảm chức năng tim do cơ quan này phải làm việc quá sức một cách thường xuyên. Tim bị thiếu máu, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp, thậm chí đột quỵ hoặc tử vong,… Trên não: Huyết áp tâm trương cao gây thiếu máu cục bộ, làm giảm lượng oxy lên não, suy giảm nhận thức,… nặng hơn là tai biến mạch máu não, đột quỵ - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ngoài ra, huyết áp tâm trương cao còn làm ảnh hưởng tới thận, khiến chức năng cơ quan này suy giảm.
Cách cải thiện tình trạng tăng huyết áp tâm trương
Người trưởng thành có chỉ số huyết áp tâm trương cao phải đối mặt với nguy cơ gặp các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc hoặc tử vong) lớn gấp đôi so với những đối tượng huyết áp bình thường. Vì thế, bạn nên lưu ý những vấn đề sau để ổn định huyết áp, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Giảm dùng muối và đường, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no, loại bỏ thức ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp, các món chiên rán khỏi khẩu phần ăn; Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; Đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng khác. Có thể thử bổ sung tỏi vào khẩu phần vì theo nhiều nghiên cứu, gia vị này giúp hạ huyết áp. Lựa chọn chế độ ăn DASH cũng là một gợi ý hay mà bạn nên áp dụng.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp, bơi lội,... đều đặn khoảng 30 - 60 phút/ngày.
- Duy trì cân nặng lý tưởng bằng chế độ ăn uống khoa học, kết hợp với vận động hợp lý. Trên thực tế, bạn có thể hạ khoảng 1 mmHg huyết áp cho mỗi kg cân nặng giảm đi.
- Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, chè đặc. Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Chất nicotine trong thuốc lá có thể làm tăng huyết áp. Nó cũng làm tổn thương thành các mạch máu. Bỏ hút thuốc không chỉ có lợi cho sức khỏe tổng thể của bạn, mà còn làm giảm huyết áp.
- Tránh tình trạng lo âu, căng thẳng thần kinh. Cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Thực hành các hoạt động như thiền hoặc thở sâu cũng có thể giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên để kịp thời xử trí khi có những thay đổi bất thường.
Người có chỉ số huyết áp tâm trương cao cần tích cực thay đổi lối sống như trên. Ngoài ra, bạn nên tuyệt đối tuân thủ chỉ định của chuyên gia khi dùng các loại thuốc tây. Không tự ý dùng thuốc, tăng – giảm liều hay ngưng sử dụng để huyết áp được ổn định, cải thiện sức khỏe toàn trạng cũng như giảm bớt nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường. Các loại thuốc huyết áp phổ biến bao gồm: Lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn kênh canxi, nhóm ức chế men chuyển angiotensin, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II,…
Liên Hà