“Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp?” là câu hỏi nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Vậy đáp án cho vấn đề trên là gì và làm sao để hạ huyết áp hiệu quả, từ đó phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lên các cơ quan? Nếu bạn cũng quan tâm đến những vấn đề này, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của chúng tôi!

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Tình trạng này làm tăng gánh nặng cho tim, là căn nguyên của nhiều vấn đề tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,... và những biến chứng trên nhiều cơ quan khác như: Thận, phổi, hệ thống xương, não, mắt,…

Theo Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) năm 2018, tăng huyết áp được phân loại như sau:

- Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg.

- Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên.

- Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên.

- Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên.

- Tăng huyết áp độ 2: từ 160/100 mmHg trở lên.

- Tăng huyết áp độ 3: từ 180/110 mmHg trở lên.

Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, chỉ số huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên trong thời gian dài thì được xem là tăng huyết áp.

Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những quần thể dân cư có tập quán ăn mặn thì tỷ lệ người bị tăng huyết áp thường lớn hơn so với các quần thể ăn nhạt.

Thành phần chính của muối ăn là natri. Bình thường, nồng độ natri trong cơ thể là 9‰. Khi dùng muối ăn, nồng độ đó sẽ tăng lên tức thời, cơ thể điều chỉnh bằng cách tăng thẩm thấu dịch gian bào (dịch nằm giữa các tế bào) từ thành động mạch vào trong lòng mạch máu để nồng độ muối trong máu được duy trì ở trạng thái bình thường. Lúc này, lòng động mạch bị thu hẹp do mất nước (dịch gian bào), trong khi đó, khối lượng máu trong lòng mạch máu lại tăng lên, khiến áp lực lên thành mạch tăng cao. Lòng mạch co lại, áp suất tăng chính là nguyên nhân gây tăng huyết áp.

Việc ăn nhiều muối, cộng thêm yếu tố stress trong cuộc sống sẽ gây cường giao cảm, tăng hoạt động của hệ renin – angiotensin, dẫn đến tăng tái hấp thu natri ở ống thận. Ion natri đi vào trong tế bào của cơ trơn nhiều gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, cuối cùng là tăng huyết áp.

Vậy, một ngày nên ăn lượng muối bao nhiêu là đủ? Đối với người bình thường, không mắc bệnh tăng huyết áp, cân nặng vừa phải,… cũng chỉ nên ăn 6 - 8g muối/ngày. Những người từ 45 tuổi trở lên cần hạn chế ăn muối để tránh bệnh tăng huyết áp, nên bổ sung thêm rau và hoa quả để tăng lượng kali, giúp hạ áp hiệu quả.

Làm sao để thay đổi thói quen ăn mặn, giúp hạ huyết áp hiệu quả?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, natri thường có sẵn trong thực phẩm. Một chế độ ăn không cho thêm muối, nước mắm,… cũng đã cung cấp khoảng 1,6g natri. Khoảng 80% lượng muối được nạp vào cơ thể là qua những thực phẩm đã chế biến. Vì thế, để giảm lượng muối tiêu thụ, hãy tránh xa thực phẩm đóng hộp hay đồ ăn nhanh. Khi nấu nướng, bạn có thể kiểm soát lượng muối nạp vào dễ dàng hơn. Đối với những người có thói quen ăn mặn, việc ngay lập tức giảm muối để chuyển sang chế độ ăn nhạt là khá khó khăn. Nó ảnh hưởng đến khẩu vị ăn uống, do đó việc này cần được tiến hành từ từ, cũng như cần áp dụng một số phương pháp hỗ trợ trong việc chế biến món ăn hàng ngày:

- Nếu việc cắt giảm lượng muối ảnh hưởng đến độ đậm đà của món ăn, khẩu vị của người dùng thì có thể thay thế bằng một số loại gia vị thảo mộc giúp tăng hương vị như: Bột nghệ, húng quế, gừng, xô thơm, nhụy nghệ tây, tỏi, quế,...

- Sử dụng thực phẩm tươi sống để nấu ăn thay vì các đồ chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, trong 100g xúc xích có chứa từ 9 – 10g muối, 100g thịt muối có đến 20g muối, còn trong thịt xông khói là từ 10 - 16g. Do đó, dù cho cuộc sống bận rộn thì cũng nên ăn những món được chế biến từ đồ tươi sống.

- Nếu trong bữa ăn có nước chấm thì nên pha loãng hoặc dùng những loại nước chấm công thức đặc biệt, giảm muối.

Giải pháp hạ áp an toàn, hiệu quả cho người tăng huyết áp

Bên cạnh việc ăn uống điều độ, giảm lượng muối trong chế độ dinh dưỡng, để nâng cao sức khỏe, hạ và ổn định huyết áp, bạn nên dùng thuốc theo chỉ định của chuyên gia.

Châu Anh