Tăng huyết áp là tình trạng ngày càng trở nên phổ biến. Việc tầm soát các yếu tố nguy cơ sẽ giúp ngăn chặn bệnh hiệu quả. Nhờ giáo dục sức khỏe, việc hút thuốc lá ở các nước phát triển đã giảm hẳn, trong khi đó lại gia tăng tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Vậy hút thuốc lá có làm tăng huyết áp không? Làm sao để cai thuốc lá? Hãy đọc ngay để biết!

Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực máu trong động mạch tăng cao. Đối với người lớn, huyết áp thường ở mức dưới 120/80 mmHg. Trong đó, 120 là chỉ số trên (huyết áp tâm thu), còn 80 gọi là chỉ số dưới (huyết áp tâm trương). Khi  huyết áp tâm thu từ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên được xem là tăng huyết áp. Bệnh lý này có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng nhất là gây đột quỵ, dẫn tới tử vong. Cụ thể:

- Ảnh hưởng đến tim mạch: Huyết áp tăng cao làm cho lớp trong cùng của thành động mạch bị rạn nứt, khiến bạch cầu và mỡ máu lọt xuống thành mạch. Lâu dần, thành mạch sẽ dày lên, hẹp đi, giảm đàn hồi, rất dễ bị tắc khi gặp cục máu đông. Khi đó, dòng máu mang oxy đến nuôi tim sẽ không đều, gây rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, suy tim, bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, có thể gây đột tử rất nhanh. Tăng huyết áp còn có thể khiến động mạch chủ bị phình to, bóc tách và vỡ, nguy hiểm nhất là dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bệnh còn dễ gây ra biến chứng hẹp động mạch đùi, động mạch chân, động mạch chậu. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ.

- Bệnh nhân nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp thường có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị cũng sẽ dẫn đến suy tim.

- Ảnh hưởng đến thận: Huyết áp tăng cao dễ làm hỏng màng lọc cầu thận, khiến bệnh nhân tiểu ra protein, lâu ngày gây suy thận. Bên cạnh đó, tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, khiến thận tiết ra nhiều renin, dẫn đến huyết áp tăng cao hơn.

- Ảnh hưởng đến mắt: Huyết áp tăng cao làm hư hại mạch máu võng mạc, gây xuất huyết, mờ mắt, phù đĩa thị giác, giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.

- Ảnh hưởng đến não bộ: Những người bị tăng huyết áp nhẹ thường đau đầu, hoa mắt, nôn ói,… do thiếu máu não. Nguy hiểm hơn, trường hợp tăng huyết áp kịch phát có thể gây ra: Xuất huyết não, nhũn não, tai biến mạch máu não, đứt mạch máu não dẫn đến liệt nửa người, liệt hoàn toàn,... thậm chí tử vong.

Hút thuốc lá nhiều có bị tăng huyết áp không?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ngoài các bệnh lý hô hấp, hút thuốc lá còn là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh động mạch vành, tăng huyết áp,... Các bệnh lý này lại tương tác lẫn nhau làm cho tình trạng sức khỏe càng thêm trầm trọng. Hút thuốc lá càng nhiều thì tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp càng tăng bởi:

- Khi hút thuốc lá, khí CO sẽ lấy oxy ở trong hồng cầu, dẫn đến tình trạng tim đập nhanh. Lúc này, máu được bơm đi rất nhanh và nhiều nên huyết áp tăng. Khí CO còn gây tổn thương lòng mạch, tạo điều kiện cho mảng xơ vữa hình thành. Hút thuốc lá làm giảm nồng độ cholesterol tốt, tăng nồng độ cholesterol xấu và mỡ máu, dẫn tới động mạch bị xơ vữa – đây là nguyên nhân gây ra bệnh cao huyết áp.

– Đặc biệt, với những người bị tăng huyết áp và các bệnh liên quan đến tim mạch khác, thuốc lá sẽ khiến tình trạng diễn biến xấu với tốc độ nhanh chóng, khó lường, để lại tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe.

– Một số nghiên cứu chỉ ra rằng: Khói thuốc lá kích thích gan sản xuất ra enzyme làm hạn chế hoặc mất tác dụng của thuốc điều trị cao huyết áp.

– Nicotine trong thuốc lá có khả năng làm hỏng lớp màng lót ở thành động mạch, khiến các động mạch này bị thu hẹp lại, gây cản trở lưu thông máu,… Vì thế, áp lực của máu trên thành động mạch tăng lên, gây ra cao huyết áp.

– Hút thuốc lá trong thời gian kéo dài cũng gây tổn hại cho mạch máu một cách âm thầm. Do đó, hút thuốc lá không những gây cao huyết áp mà còn góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác như: Tim mạch, hô hấp,…

6 mẹo cực dễ để bỏ thuốc lá, phòng ngừa tăng huyết áp

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, bạn cần bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Hãy áp dụng ngay 6 mẹo cực dễ sau:

- Vứt bỏ hết gạt tàn, bật lửa và tất cả thuốc lá. Bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng, khi dừng hút thuốc, cơ thể sẽ có cảm giác: Buồn nôn, đau đầu, lo lắng, khó chịu,... Đó là do thiếu nicotine. Các triệu chứng này có xu hướng “tệ hại” nhất sau 12 - 24 giờ, sau đó giảm dần trong 2 - 4 tuần.

- Nhai kẹo cao su không đường, đánh răng: Nhai kẹo cao su và đánh răng có thể tạm thời ngăn cản cơn thèm thuốc lá của bạn. Ngoài ra, chải răng đều đặn cũng giúp loại bỏ mảng vàng do khói thuốc lá.

- Gừng giúp ngăn chặn cơn thèm thuốc lá khá hiệu quả. Nó còn giúp thải loại bớt nicotine ra khỏi cơ thể. Bạn hãy đặt một lát gừng mỏng lên lưỡi và cảm nhận hiệu quả nhé!

- Ăn uống khoa học, lành mạnh: Khi bỏ thuốc, cảm giác thèm ăn thường gia tăng. Bạn nên hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ hay đường, đồ uống có ga,… Thay vào đó là nước lọc, cà rốt, cần tây, cam, quýt, quế, sữa,… bởi chúng giúp đào thải nicotine khỏi cơ thể dễ dàng hơn và khử mùi thuốc trên lưỡi. 

- Nếu bạn cảm thấy thèm thuốc, hãy rắc chút xíu muối lên lưỡi để thấy hiệu quả ngay tức khắc!

- Chơi với người không hút thuốc: Thường xuyên qua lại với bạn bè hút thuốc sẽ khiến cơn thèm thuốc trỗi dậy. Hãy kết thân với những người không hút thuốc, đồng thời tự thưởng cho mình sau mỗi giai đoạn bỏ thuốc thành công.

Lâm Phong