Ngày nay, số người bị cao huyết áp đang gia tăng đáng kể không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Huyết áp cao không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống nếu như không được phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời. Vậy huyết áp cao nhất là bao nhiêu? Phòng ngừa và điều trị cao huyết áp như thế nào? Hãy cùng tham khảo nội dung bài viết dưới đây.
Huyết áp cao nhất là bao nhiêu?
Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch. Huyết áp sinh ra từ cơ chế bơm máu của tim cộng với sự co giãn của thành động mạch. Thông thường, huyết áp có xu hướng tăng cao vào ban ngày và giảm dần vào ban đêm. Huyết áp cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí có thể cướp đi sinh mạng của người mắc nếu như không được kiểm soát.
Huyết áp được xác định thông qua hai chỉ số đó là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa và huyết áp tâm trương hay còn gọi là huyết áp tối thiểu:
- Huyết áp tối đa hay huyết áp tâm thu ở người trưởng thành bình thường là từ 90 -135 mmHg. Huyết áp tối thiểu hay huyết áp tâm trương ở người trưởng thành bình thường là từ 60 - 89mmHg.
- Huyết áp được gọi là cao khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc khi huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Trong tạp chí về cao huyết áp nhắc đến trường hợp của một bệnh nhân trong phòng cấp cứu có chỉ số huyết áp đo được là 252/159mmHg. Bệnh nhân bị đột quỵ và suy giảm nhận thức. Để xác định bản thân hay người nhà có bị cao huyết áp hay không thì bạn nên đo huyết áp thường xuyên bằng máy đo huyết áp hoặc đến các trung tâm y tế.
Cách đo huyết áp chính xác
Huyết áp dao động theo nhịp sinh học, nghĩa là thay đổi nhiều lần trong ngày. Chính vì thế, bạn nên đo huyết áp vài lần trong ngày, vài ngày liên tục mới có thể đánh giá chính xác và khách quan mức độ bệnh. Cách đo huyết áp chính xác:
Chuẩn bị đo huyết áp
Trước khi đo huyết áp, bạn cần nằm thoải mái tại giường hoặc ngồi, nghỉ ngơi ít nhất 15 phút. Định kỳ 3 - 6 tháng bắt buộc đo huyết áp ở tư thế đứng để kiểm tra, nhất là những người có nguy cơ hạ huyết áp đứng như suy tĩnh mạch, đái tháo đường,…
Đo huyết áp sử dụng máy cơ
- Quấn băng vào cánh tay để ngửa, mép dưới của băng quấn trên nếp khuỷu tay từ 2,5 – 5 cm, quấn nhẹ nhàng.
- Mắc ống tai nghe vào tai, đặt loa ống nghe trên động mạch cánh tay (điểm 1/3 trong nếp khuỷu).
- Bóp bóng bơm cho đến khi nghe thấy tiếng đập thì bơm tiếp thêm 30mmHg rồi sau đó xả hơi từ từ.
- Huyết áp tối đa được tính từ 2 tiếng đập liên tiếp trước tiên.
- Huyết áp tối thiểu được tính từ lúc tiếng đập cuối cùng mất đi.
Đo huyết áp bằng máy điện tử
- Cho người bệnh nằm thoải mái tại giường hoặc ngồi.
- Quấn băng huyết áp vào phần cổ tay ở phía bên trong, cách cổ tay khoảng 1 cm.
- Đặt cổ tay bên đo 1 cách từ từ ngang vị trí tim, tay còn lại thì đỡ vào khuỷu tay bên kia để cơ không bị căng.
- Bấm nút để tiến hành đo huyết áp, máy sẽ tự động bơm và xả hơi đến khi hoàn thành quá trình đo.
Để ý trong lúc đo, người bệnh không được nói chuyện, không được cử động tay và máy đo luôn đặt ở vị trí ngang tim. Mỗi lần đo cách nhau ít nhất 3 phút.
Cần phải làm gì khi bị huyết áp cao?
Khi bị huyết áp cao, nhất thiết phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý, trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy huyết áp giảm về mức bình thường không nên tự ý bỏ uống thuốc vì chỉ số huyết áp giảm là do thuốc mang lại. Nếu chưa có ý kiến của bác sĩ, không được phép tự ý thay đổi loại thuốc, vì thuốc hạ huyết áp có nhiều loại và mỗi đối tượng phù hợp một loại riêng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh như giảm chất béo, mỡ động vật, muối, rượu bia, thức ăn nhanh, chất kích thích. Tích cực ăn nhiều rau xanh, chất xơ, trái cây và uống nhiều nước. Tích cực luyện tập thể dục thể thao hàng ngày với những môn phù hợp cho sức khỏe như: Đi bộ, đạp xe, thiền, yoga,… Giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái, lạc quan, tránh những căng thẳng stress hay xúc động mạnh. Đừng quên đo huyết áp thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ cao huyết áp kịp thời.
Hiện nay, xu hướng sử dụng thêm sản phẩm thảo dược giúp hỗ trợ điều trị cao huyết áp được nhiều người tin dùng. Những nghiên cứu trên thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam đã chứng minh, cần tây có những tác dụng tốt với người bị tăng huyết áp. Để tăng cường tác dụng của cần tây cũng như mang lại hiệu quả toàn diện trong việc kiểm soát huyết áp, các nhà khoa học Việt Nam đã dùng vị thuốc này làm thành phần chính, kết hợp với các thảo dược quý khác như: Hoàng bá, tỏi, dâu tằm, nattokinase, magiê citrate…
Hải Vân