Khẩu phần ăn cho người tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Vì vậy, khi bị tăng huyết áp ăn như thế nào, ăn bao nhiêu là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Hãy cùng tritanghuyetap.com tìm hiểu rõ hơn về thực đơn dinh dưỡng cho người bị tăng huyết áp trong bài viết này!
Như thế nào gọi là tăng huyết áp?
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu hệ thống động mạch tăng cao. Người ta thường dùng khái niệm huyết áp tâm thu (hoặc huyết áp tối đa) cho chỉ số huyết áp trên và huyết áp tâm trương (hoặc tối thiểu) cho chỉ số huyết áp dưới. Khi chỉ số huyết áp tâm thu > 140mmHg và huyết áp tâm trương > 90mmHg được xem là tăng huyết áp. Trị số huyết áp có thể thay đổi khi có các yếu tố tác động như tâm lý (lo âu, sợ hãi, mừng vui...), vận động (đi lại, chạy nhảy) hoặc môi trường (nóng lạnh), chất kích thích (thuốc lá, cà phê, rượu bia) và bệnh lý (nóng sốt, đau đớn). Trong những trường hợp này, không thể nói bạn bị tăng huyết áp.
Để biết được chỉ số huyết áp chính xác nhất, bạn nên thực hiện đo huyết áp trong trạng thái tinh thần thoải mái, ở môi trường yên tĩnh. Cần lưu ý: Không uống cà phê, hút thuốc lá, không dùng các dược phẩm ảnh hưởng đến huyết áp trước khi đo. Nhiều người chỉ nhận ra bản thân bị tăng huyết áp khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hay đã bị tai biến mạch máu não. Tăng huyết áp nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng trên các cơ quan như:
- Biến chứng tức thời: Có thể nguy hiểm đến tính mạng, gồm tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, bóc tách động mạch chủ, phù phổi cấp, suy thận cấp.
- Biến chứng lâu dài: Rối loạn tiền đình, bệnh lý mắt, tim to, suy tim, đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim, suy thận mạn, đau cách hồi.
Khi được chẩn đoán tăng huyết áp, tùy từng giai đoạn mà bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống. Để kiểm soát huyết áp, tốt nhất bạn nên dùng thuốc đều đặn, kết hợp với áp dụng lối sống khoa học.
Khẩu phần ăn cho người tăng huyết áp
Một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh với các thực phẩm quá mặn, thừa calo, nhiều dầu mỡ, đặc biệt là cholesterol xấu từ mỡ động vật,… là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến béo phì, chứng tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch,… Xây dựng khẩu phần ăn cho người tăng huyết áp nên có các định lượng cụ thể như sau:
– Chỉ nên tiêu thụ ít hơn 6g muối/ngày.
– Với người bình thường, chỉ cần bổ sung 35 – 40 kcal trên mỗi kg cân nặng. Còn với người thừa cân, béo phì, càng nên hạn chế calo trong khẩu phần ăn, với mức thấp hơn 35 kcal/kg, cho đến khi cân nặng trở về mức bình thường.
– Lượng mỡ (lipid) bổ sung ở mức 25g – 40g/ngày, nên dùng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật. Việc giảm lipid trong khẩu phần ăn càng cần thiết với người bị xơ vữa động mạch.
– Lượng protein trong khẩu phần cần ở mức 60 – 70g/ngày, không nên ăn nhiều protein nguồn gốc từ động vật.
– Lượng đường glucose an toàn trong khẩu phần ăn nên là 300g – 350g/ngày, nên hạn chế thức ăn dạng bột, các loại đường và bánh kẹo. Thay vào đó, hãy ăn các loại hạt ngũ cốc không xay xát kỹ để giữ lại thành phần có lợi ở ngũ cốc.
Xây dựng khẩu phần ăn cho người tăng huyết áp theo tỷ lệ thành phần: Protein chiếm 12 – 15%; Lipid 15 – 20%; Glucid 65 – 70% toàn bộ khẩu phần.
Rau xanh và trái cây là những thực phẩm tuyệt vời mà người bị tăng huyết áp nên đưa vào thực đơn hàng ngày. Những loại thực phẩm này rất giàu các thành phần như: Kali, canxi, magie và các vitamin giúp hạ áp, tránh béo phì, mỡ máu, tiểu đường,… Một số loại rau quả nên ăn như: Cam, quýt, táo, chuối, rau cải cúc, cần tây,… Ngoài rau quả, các loại cá cũng là thực phẩm hữu ích cho người bị tăng huyết áp vì chúng chứa nhiều omega-3 (axit béo không bão hòa hay còn gọi là cholesterol tốt). Các loại cá giàu omega-3 gồm: Cá hồi, cá thu, cá ngừ,…
Chế độ tập luyện cho người tăng huyết áp
Bên cạnh chế độ ăn khoa học, người bị tăng huyết áp cần kết hợp với lối sống lành mạnh. Một khi cơ thể khỏe mạnh thì việc chống đỡ với bệnh tật sẽ tốt hơn, ăn khỏe, ngủ ngon và tinh thần sảng khoái. Luyện tập đều đặn còn làm cho tim thích ứng được với những yêu cầu cao về cung cấp máu khi gắng sức bất thường và làm tăng lipoprotein HDL – loại lipoprotein tốt giúp phòng chống xơ vữa động mạch.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, việc rèn luyện thường xuyên còn giúp hạ áp do làm giảm hoạt tính renin huyết tương, giảm tiết adrenalin và noradrenalin - các hormone làm co mạch, gây tăng huyết áp. Đồng thời, tập luyện còn làm tăng nồng độ prostaglandin PGE2 và taurin. Trong đó, prostaglandin PGE2 là chất giãn mạch, taurine là acid amin có tác dụng ức chế adrenalin và noradrenalin. Tuy nhiên, để có được những tác dụng trên thì phải luyện tập với 3 yêu cầu sau:
- Tập thể dục phải kéo dài ít nhất 30 phút/ ngày.
- Phải luyện tập tương đối thường xuyên, ít nhất 3 lần/tuần.
- Cường độ luyện tập vừa phải, nhẹ nhàng. Tập thể dục tại chỗ kết hợp với đi bộ, cường độ tăng dần hàng tuần để có sự thích nghi của cơ thể, nhất là đối với người cao tuổi. Nếu huyết áp đã ổn định và xuống dưới mức 140/90mmHg thì có thể chạy bước nhỏ, chạy chậm nhẹ nhàng từng đoạn ngắn 50 – 100m/vài phút xen kẽ với đi bộ, mức này có thể tăng lên hàng tuần. Người bệnh có thể bơi lội nhẹ nhàng, nước hồ không quá lạnh để tránh co mạch ngoại vi đột ngột, làm tăng huyết áp.
Quỳnh Anh