Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng cơ thể không đáp ứng tốt với quá trình điều trị, vì thế, các biến chứng nguy hiểm như: Đột quỵ, đau tim,... dễ xảy ra hơn.

Tăng huyết áp kháng trị là gì?

Tăng huyết áp là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhưng đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Đây là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp cao làm tăng gánh nặng cho tim, cũng là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…

Huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Trong đó, 120 là con số biểu thị cho huyết áp tâm thu. Còn 80 là con số biểu thị cho huyết áp tâm trương. Gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. 

Tăng huyết áp kháng trị là tình trạng gặp ở khoảng 20% người mắc tăng huyết áp, khi cơ thể bệnh nhân không đáp ứng tốt với quá trình điều trị, dù đã tuân thủ chỉ định của chuyên gia. Nếu như có tất cả điều kiện dưới đây, bạn sẽ được chẩn đoán là tăng huyết áp kháng trị:

- Sử dụng 3 loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau với liều lượng tối đa.

- Trong số thuốc hạ huyết áp đang dùng có thuốc lợi tiểu.

- Chỉ số huyết áp vẫn vượt quá phạm vi lý tưởng.

- Bác sĩ tiếp tục kê đơn thêm loại thuốc huyết áp thứ 4.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng trị

Tăng huyết áp kháng trị có thể cùng tồn tại với một hoặc nhiều tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác. Vậy nên, ngoài việc điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng thuốc, các chuyên gia thường điều tra các nguyên nhân thứ phát dẫn đến tình trạng này, ví dụ như:

* Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị của chuyên gia:

Sử dụng thuốc không đúng, đủ liều hay tự ý tăng giảm liều,… đều ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị. Lâu dài dẫn đến tăng huyết áp kháng trị, dù bệnh nhân có quay trở lại dùng thuốc đúng theo chỉ định cũng không còn hiệu quả nữa.

* Do tăng thể tích tuần hoàn quá mức:

- Ăn quá nhiều Na+.

- Phù do bệnh thận.

- Sử dụng lợi tiểu không thích hợp.

* Rối loạn cấu trúc cơ thể

- Ngưng thở khi ngủ: Có xu hướng ngừng thở trong vài giây lúc ngủ.

- Hẹp động mạch thận.

- Co thắt động mạch chủ: Hẹp một phần của động mạch chủ.

- Suy thận.

* Rối loạn nội tiết tố

- Cường aldosterone nguyên phát: Rối loạn tuyến thượng thận gây nên tình trạng huyết áp cao.

- U tủy thượng thận: Một khối u ở tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều epinephrine và (hoặc) các hormone khác làm tăng huyết áp.

- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém).

- Hội chứng Cushing: Tình trạng xảy ra khi mô cơ thể tiếp xúc với quá nhiều lượng cortisol.

- Dị tật hệ thần kinh nội tiết bẩm sinh.

* Do một số loại thuốc và nguyên nhân khác

- Thuốc ngừa thai.

- Phối hợp thuốc hạ huyết áp không đúng.

- Thuốc non steroid, ức chế cyclooxygenase 2.

- Cocaine, amphetamines.

-Thuốc không kê toa (ephedra, ma hoàng, cam thảo,…).

Theo thống kê, 75% người bị tăng huyết áp kháng trị không thể xác định rõ nguyên nhân. Tình trạng này còn được xếp vào nhóm tăng huyết áp nguyên phát.

Triệu chứng của tăng huyết áp kháng trị

Tăng huyết áp kháng trị thường không biểu hiện thành các dấu hiệu cụ thể cho đến khi nó trở nên nghiêm trọng. Cách tốt nhất để chẩn đoán là thường xuyên kiểm tra huyết áp. Tuy vậy, bạn nên lưu ý những dấu hiệu thường gặp nhất, đó là:

- Tăng huyết áp không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị, dù người mắc đã tuân thủ đúng theo chỉ định của chuyên gia.

- Khó thở, tức ngực.

- Choáng váng và chóng mặt, xảy ra do áp lực máu đưa lên não tăng cao khiến bạn mất thăng bằng, gặp khó khăn khi đi bộ, ngất, thậm chí đột quỵ.

- Chảy máu mũi nhiều và khó cầm kèm hiện tượng người nóng bừng.

- Buồn nôn và nôn có thể là dấu hiệu của cao huyết áp. Triệu chứng này còn gặp ở nhiều bệnh lý khác nên cần được thăm khám kỹ lưỡng rồi mới đưa ra kết luận.

- Nhức đầu là biểu hiện hay gặp của bệnh tăng huyết áp ác tính. Nếu huyết áp của bạn đạt mức 170/105 mmHg trở lên thì thường xuất hiện các cơn đau đầu. Khi đó, cần áp dụng các phương pháp điều trị khẩn cấp.

Tăng huyết áp kháng trị nguy hiểm như thế nào?

Tăng huyết áp kháng trị về lâu dài rất dễ chuyển biến xấu. Theo thời gian, tăng huyết áp không được kiểm soát sẽ gây tổn hại đến các động mạch do chúng bị xơ cứng, dần trở nên hẹp và kém linh hoạt hơn. Lúc này, tim cần phải làm việc cật lực để vận chuyển máu đi khắp cơ thể.

Những biến chứng do tăng huyết áp kháng trị thường gặp là: Đau tim, suy tim, phì đại thất trái, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh lý tim mạch khác, xơ vữa mạch máu, đột quỵ, tai biến mạch não, tổn thương võng mạc mắt, suy thận mạn, rối loạn cương dương,... 

Việc phải dùng kết hợp nhiều thuốc cùng một lúc để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp kháng trị khiến cơ thể người bệnh phải gánh chịu nhiều tác dụng phụ nguy hiểm hơn. Điển hình nhất là làm tổn thương các cơ quan tham gia chuyển hóa và thải trừ thuốc như: Gan, thận, mật,... Bên cạnh đó còn dễ gây: Hạ huyết áp khi đứng lên, hại dạ dày và ruột, mệt mỏi, dị ứng, suy giảm chức năng sinh dục,...

Theo dõi và điều trị tăng huyết áp kháng trị

Điều trị tăng huyết áp kháng trị bao gồm: Giải quyết bất kỳ biến cố hoặc nguyên nhân gây bệnh nào và căn chỉnh thuốc theo thể trạng người mắc. Thông thường, các chuyên gia sẽ chỉ định thay đổi hoặc bổ sung thuốc trị tăng huyết áp, đồng thời điều tra nguyên nhân thứ phát nhằm có biện pháp kiểm soát phù hợp, kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt, bao gồm:

- Áp dụng thực đơn cho người tăng huyết áp dựa trên chế độ ăn DASH, dùng ít muối ăn (natri).

- Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn, cà phê, không hút thuốc lá,...

- Hoạt động thể chất thường xuyên, chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng.

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, chỉ số BMI nên < 25.

- Kiểm soát tốt căng thẳng, có thể thiền để thư giãn tinh thần.

- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định y tế, bao gồm: Dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian.

- Không dùng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào có nguy cơ gây tăng huyết áp, chẳng hạn như: Thuốc giảm cân, thuốc kích thích, cyclosporine, ephedrine, thuốc giảm đau, nhóm thuốc kháng viêm phi steroid (ibuprofen, celecoxib,...), cam thảo,...

Để kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp kháng trị, bạn nên thường xuyên đo huyết áp tại nhà để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Linh Phương