Người bị tăng huyết áp nên uống gì thì tốt cho sức khỏe là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi ai cũng biết, chế độ ăn uống khoa học góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát huyết áp cũng như cải thiện sức khỏe. Vậy, loại đồ uống nào tốt cho đối tượng này? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh tăng huyết áp và nguyên nhân

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi áp lực tác động lên thành động mạch máu tăng cao. Đối với người lớn, huyết áp thường là dưới 120/80 mmHg (trong đó, 120 là huyết áp tâm thu, 80 là huyết áp tâm trương). Nếu chỉ số này từ 140/90 mmHg trở lên trong khoảng thời gian dài thì gọi là tăng huyết áp.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp. Một số trường hợp do sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh khiến mỡ máu tăng cao, gây tắc thành động mạch, dẫn đến hiện tượng máu khó lưu thông, cuối cùng là tăng huyết áp. Nhiều người khác lại do bẩm sinh, di truyền từ bố mẹ,… Có thể tổng kết những nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng nguy cơ bị bệnh lý này như sau:

+ Uống nhiều bia, rượu, đồ uống có cồn. Hút thuốc lá, dùng các chất kích thích. Ăn nhiều muối.

+ Do béo phì, thừa cân. Ít tập luyện thể dục thể thao, công việc phải ngồi 1 chỗ lâu.

+ Thiếu hấp thu calci, kali, magiê, vitamin D.

+ Thường xuyên căng thẳng, công việc nhiều áp lực.

+ Do tuổi tác (thường gặp ở người lớn tuổi).

+ Do di truyền.

Kiểm soát và hạn chế các yếu tố kể trên có thể góp phần ổn định huyết áp, nâng cao sức khỏe, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng của tăng huyết áp

Tăng huyết áp rất nguy hiểm nếu không được kiểm soát đúng cách và kịp thời. Các biến chứng thường gặp nhất phải kể đến là:

Trên tim mạch

Để đối phó với sức cản ngoại biên, tim phải tăng co bóp, lâu ngày làm vách cơ tim dày lên, dẫn đến biến chứng dày thất trái, loạn nhịp tim, suy tim. Tăng huyết áp đôi khi khiến động mạch chủ bị phình to, bóc tách và vỡ. Ngoài ra, bệnh còn dễ gây ra biến chứng hẹp động mạch đùi, động mạch chân, động mạch chậu – gọi là chứng đau cách hồi.

Trên não

Tăng huyết áp gây biến chứng trên não: Thiếu máu não (đau đầu, hoa mắt, nôn ói, lú lẫn,…), thậm chí dẫn đến tai biến mạch máu não, liệt nửa người, tử vong.

Trên thận

Bệnh tăng huyết áp có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ trong thận, thậm chí suy thận. Ngược lại, thiếu máu tại thận sẽ dẫn đến tăng nồng độ renin và angiotensin II trong máu, gây tăng huyết áp. Các tổn thương tại thận thường biểu hiện triệu chứng như sau: Mệt mỏi; Mắt cá chân, bàn tay hoặc bàn chân sưng lên; Khó thở; Đi tiểu ra máu, Đi tiểu thường xuyên hơn,...

Trên mắt

Tăng huyết áp gây hư tổn cấu trúc trong mắt, cụ thể là: Nứt vỡ các mao mạch, xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác, giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Suy giảm chức năng sinh dục

Rối loạn chức năng tình dục là tình trạng phổ biến và nghiêm trọng. Tăng huyết áp gây ra rối loạn cương dương và xuất tinh sớm của nam giới, làm giảm khoái cảm ở nữ giới.

Biến chứng của tăng huyết áp rất nguy hiểm. Để góp phần ngăn chặn chúng, bạn nên xây dựng một lối sống lành mạnh hơn, trong đó, một khẩu phần ăn uống thông minh là rất cần thiết.

Người bị tăng huyết áp nên uống gì thì tốt cho sức khỏe?

Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định, bổ sung các loại nước uống phù hợp sẽ giúp huyết áp được kiểm soát tốt hơn. Vậy người bị tăng huyết áp nên uống gì? Dưới đây là 4 loại nước giúp bạn hạ huyết áp một cách an toàn và hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu để áp dụng:

*Nước ép rau cần tây

Theo đông y, cần tây có vị chát, mùi nồng, tính lương (mát), quy vào 2 kinh vị và can. Từ xa xưa, cần tây đã được dùng để trị tăng huyết áp kèm theo các chứng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, mặt đỏ, xơ cứng mạch máu, thần kinh suy nhược,... Chiết xuất lá cần tây có tác dụng hạ huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, đồng thời cần tây còn làm giảm lipid máu, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Đặc biệt, chiết xuất cần tây không ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp tim ở người bình thường

Việc ăn cần tây thường xuyên giúp gia tăng lượng nước tiểu trong cơ thể, loại bỏ các chất độc hại như acid uric dư thừa và urê. Các nghiên cứu khoa học hiện đại gần đây cũng khẳng định, chất apigenin trong cần tây có thể giúp giãn mạch tốt hơn nên ngăn ngừa huyết áp tăng cao. Người bệnh có thể ép cần tây lấy nước uống mỗi ngày.

*Trà bụt giấm (bụp giấm)

Theo các nhà khoa học, chất phytochemical trong bụt giấm có tác dụng làm giảm huyết áp hiệu quả. Một nghiên cứu của Đại học Tufts trên các bệnh nhân tăng huyết áp cho kết quả: Sau khi uống trà bụt giấm trong 6 tuần, huyết áp tâm thu trung bình của những người tham gia nghiên cứu đã giảm 7 mmHg. Vì thế, bạn có thể uống khoảng 240ml trà bụt giấm mỗi ngày để ổn định huyết áp nhé!

*Nước dừa

Không chỉ có hàm lượng đường thấp hơn hẳn các loại nước giải khát thông thường khác, nước dừa còn chứa lượng vitamin và canxi, chloride dồi dào. Đặc biệt, loại nước này rất giàu kali và axit lauric - có tác dụng điều hòa huyết áp, duy trì sức khỏe tim mạch bởi khả năng ổn định chỉ số cholesterol, giảm mỡ máu. Thành phần vitamin trong nước dừa còn có tác dụng củng cố hệ miễn dịch, cân bằng sức khỏe tim mạch và hệ thần kinh. Người bệnh nên lưu ý không uống nhiều hơn 3 quả/ngày và tránh dùng vào buổi tối.

*Nước củ dền

Loại củ này chứa nhiều vitamin như: C, K,... và chất xơ có tác dụng giảm mỡ, chống oxy hóa, cải thiện tình trạng tăng huyết áp. Lưu ý, bạn chỉ nên uống nước này với lượng vừa phải bởi củ dền có hàm lượng đường khá cao.