Nhiều năm trở lại đây, đối tượng mắc bệnh huyết áp cao đang có xu hướng trẻ hóa. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân huyết áp cao ở người trẻ được cho là do thói quen sống và sinh hoạt thiếu khoa học. Vậy, có cách nào để cải thiện tình trạng này không? Để có câu trả lời chính xác nhất, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Thực trạng cao huyết áp hiện nay

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vào năm 2019, có tới 25% dân số mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp. Trong đó, 60% số người huyết áp cao chưa được phát hiện và 80% chưa được điều trị. Những năm trở lại đây, bệnh cao huyết áp có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Từ 25 tuổi trở lên, tỷ lệ mắc cao huyết áp là 47%. Nghĩa là cứ khoảng 2 người từ 25 tuổi trở lên thì có một người mắc cao huyết áp. Thống kê cho thấy, năm 2010, trong độ tuổi 18 - 25, tỷ lệ mắc cao huyết áp chỉ là 15,3%. Vậy mà đến năm 2015, tỷ lệ này đã lên tới 20,3%.

Hầu hết các trường hợp, huyết áp cao ở người trẻ tuổi được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Thực tế, có tới 70% người trẻ tuổi bị cao huyết áp mà không xuất hiện dấu hiệu nào. Một số triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:

- Mất tập trung và thiếu kiên nhẫn khi làm việc.

- Dễ cáu giận, cảm xúc thay đổi thất thường.

- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt,...

Nếu như bệnh không được điều trị kịp thời sẽ rất dễ xảy ra các biến chứng trên tim, não, thận, mắt,…

Nguyên nhân huyết áp cao ở người trẻ tuổi

Nếu như chỉ có 5% các trường hợp huyết áp cao ở người già xác định được nguyên nhân thì tỷ lệ này ở người trẻ lên tới 30%. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện rõ ràng đều thuộc nhóm cao huyết áp có nguyên nhân xác định. Theo đó, nguyên nhân huyết áp cao ở người trẻ tuổi được xác định là liên quan tới:

- Bệnh lý ở thận: Hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, u vỏ thượng thận, bệnh lý mô thận,…

- Bệnh lý ở mạch máu: Hẹp động mạch chủ,…

- Hàm lượng cholesterol máu cao gây xơ vữa động mạch, hẹp động mạch và giảm độ đàn hồi của thành mạch.

- Cơ quan nội tiết: Các tuyến nội tiết bị kích thích, tăng tiết hormone, khiến huyết áp tăng cao.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp huyết cao ở người trẻ tuổi là vô căn (không rõ nguyên nhân). Các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh là do lối sống không lành mạnh của giới trẻ hiện nay. Cụ thể:

- Không cân bằng giữa làm việc với nghỉ ngơi: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, không nghỉ ngơi trong một thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là cao huyết áp.

- Lạm dụng các chất kích thích bia, rượu, cà phê trong thời gian dài: Cồn có tác dụng kích thích co mạch, làm tăng huyết áp trực tiếp ngay sau khi đi vào cơ thể vài phút. Ngoài ra, khi sử dụng quá nhiều bia, rượu, hợp chất acetaldehyde sinh ra từ cồn không kịp chuyển hóa về dạng acetate không độc mà đi vào máu, gây độc và phá hủy các cơ quan, tổ chức, trong đó có tim. Cafein có trong cà phê là chất kích thích thần kinh trung ương ưu tiên trên vỏ não. Khi lạm dụng cà phê trong thời gian dài, nó không chỉ đơn thuần là làm cho bạn tỉnh táo mà còn có tác dụng kích thích toàn bộ cơ thể và gây ra hiện tượng cao huyết áp.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Hay ăn đồ nướng, rán, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh, quá nhiều muối,... khiến cơ thể nạp vào một lượng Na+ rất cao. Điều này khiến lượng Na+ dư thừa trong cơ thể tăng lên và gây cao huyết áp. Mặt khác, thói quen ăn uống này còn khiến lipid tăng cao và rất dễ gây ra béo phì.

- Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá có khả năng hoạt hóa dopamine – chất trung gian hóa học của hệ giao cảm. Chất này trực tiếp kích thích, khiến tim đập nhanh hơn, làm tăng huyết áp ở cả 2 thì tâm thu và tâm trương.

- Căng thẳng kéo dài: Khi bị căng thẳng, hệ thần kinh sẽ kích thích tuyến thượng thận tăng cường sản sinh adrenalin và cortisol làm tim đập nhanh, khiến huyết áp cao, dẫn đến hàng loạt các thay đổi khác trong cơ thể.

- Béo phì: Cùng với lão hóa thì béo phì là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng huyết áp cao. Béo phì khiến cholesterol tăng cường lắng đọng ở thành mạch, gây xơ hóa, giảm độ đàn hồi của mạch máu.

- Lười vận động: Không chỉ khiến cơ thể dễ béo phì, lười vận động làm cho các mạch máu co nhỏ lại, giảm độ đàn hồi, từ đó gây cao huyết áp.

- Thức khuya, dậy muộn: Đêm là thời điểm tim và mạch máu nghỉ ngơi, phục hồi sau một ngày làm việc. Thói quen ngủ muộn khiến cho các cơ quan này phải hoạt động quá sức, làm mất cả quãng thời gian nghỉ ngơi của tim và hệ mạch. Mặt khác, ngủ muộn cũng khiến cho thần kinh bị căng thẳng và dễ béo phì - nguyên nhân gây cao huyết áp.

Có thể thấy rằng, ngoại trừ các yếu tố bệnh lý bẩm sinh, di truyền thì nguyên nhân gây cao huyết áp thường là do lối sống, sinh hoạt thiếu khoa học của phần đông giới trẻ hiện nay. Phát hiện sớm bệnh và điều trị ở lứa tuổi này sẽ dễ dàng hơn nhiều vì các tế bào vẫn còn khả năng phục hồi mạnh mẽ.