Nhiều người không gặp phải các triệu chứng tăng huyết áp cho đến khi huyết áp của họ cao đến mức nguy hiểm. Vậy, bị đau đầu dữ dội có phải là biểu hiện huyết áp cao hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn lý giải tại sao khi huyết áp cao có thể gây đau đầu và các triệu chứng bổ sung có thể xảy ra. Nhận biết sớm dấu hiệu tăng huyết áp để tìm cách điều trị ngay lập tức sẽ giúp ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. XEM NGAY!

Tăng huyết áp nguy hiểm đến mức nào?

Tăng huyết áp là căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến, gia tăng theo tuổi. Có khoảng 8 - 12% dân số thế giới gặp phải tình trạng y tế này. Tăng huyết áp được chia thành 2 dạng là nguyên phát và thứ phát. Trong đó, 90 – 95%, số ca bị tăng huyết áp là nguyên phát, dùng để chỉ các trường hợp không rõ nguyên nhân gây bệnh. Khoảng 5 – 10% số ca tăng huyết áp là do nguyên nhân thứ phát, chủ yếu do các bệnh lý tại các cơ quan khác như: Tim, động mạch, thận và hệ nội tiết gây ra (suy thận mạn tính, cường aldosteron nguyên phát, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, uống thuốc tránh thai),… Tăng huyết áp nếu như không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nhiều những biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong. Cụ thể:

– Biến chứng tim mạch: Suy tim, nhồi máu cơ tim, và bệnh động mạch vành,...

– Biến chứng về não như: Tai biến mạch não, xuất huyết não, nhũn não,…

– Biến chứng tại thận: Đi tiểu ra protein, suy thận,…

– Biến chứng về mắt, tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

– Các biến chứng về mạch ngoại vi đặc biệt nguy hiểm, gây tách thành động mạch chủ, có thể dẫn đến tử vong.

Rất nhiều người từ lúc mắc bệnh cho đến khi xảy ra các biến chứng của tăng huyết áp, hay thậm chí là tử vong rồi thì người nhà mới biết họ bị tăng huyết áp. Vì vậy, việc hiểu rõ và kiểm soát huyết áp là cực kỳ quan trọng.

Đau đầu có phải triệu chứng tăng huyết áp không?

Hầu hết các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có dấu hiệu nào cảnh báo trước. Khi các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát trên hệ dân số lớn, họ đã tìm thấy mối liên quan giữa tăng huyết áp và đau đầu, đặc biệt là tình trạng huyết áp tâm thu cao. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), trong hầu hết các trường hợp, tăng huyết áp không gây đau đầu. Lý giải cho điều này, họ đưa ra bằng chứng cụ thể: Trong số 4,8 triệu lượt người đến bệnh viện, 3,7% số người phàn nàn rằng, triệu chứng chính của họ là đau đầu. Nhưng nhìn chung, việc hạ huyết áp không cho thấy ảnh hưởng đến biểu hiện đau đầu. Điều đó nghĩa là trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng đau đầu có thể do một vấn đề sức khỏe khác bên cạnh huyết áp cao gây ra.

Có nhiều nghiên cứu đi ngược lại kết luận của AHA. Theo một bài báo trên Tạp chí Thần kinh học Iran, tăng huyết áp có thể gây đau đầu vì nó ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não, khiến máu bị rò rỉ từ các động mạch. Điều này gây ra phù nề, bởi vìnão nằm trong hộp sọ và không có khoảng trống để mở rộng. Phù gây thêm áp lực lên não và làm xuất hiện các triệu chứng bao gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhầm lẫn, co giật và mờ mắt. Đau đầu do tăng huyết áp thường xảy ra ở cả 2 bên đầu. Cơn đau đầu có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động thể chất. Nếu được điều trị để giảm huyết áp, các triệu chứng thường sẽ cải thiện trong vòng một giờ. Những tranh luận xung quanh vấn đề đau đầu có phải biểu hiện tăng huyết áp hay không vẫn đang cần tìm lời giải đáp. Quan trọng nhất, bạn vẫn nên đi khám để phát hiện sớm và kiểm soát tốt những bất thường của cơ thể.

Cách kiểm soát cơn đau đầu do tăng huyết áp

Cho dù khoa học có chứng minh đau đầu là biểu hiện tăng huyết áp hay không, bạn vẫn có thể tin rằng, nếu thường xuyên xuất hiện triệu chứng này, nó có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp hoặc đột quỵ. Nếu bị đau đầu do tăng huyết áp, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức để ngăn chặn nguy cơ tổn thương nội tạng hoặc các biến chứng không mong muốn. Tình trạng này thường yêu cầu kiểm soát huyết áp bằng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV). Lưu ý: Không cố gắng hạ huyết áp tại nhà, ngay cả khi bạn có sẵn thuốc. Giảm huyết áp quá nhanh có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não.

Những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn duy trì huyết áp khỏe mạnh:

- Tập thể dục 30 phút/ngày, giảm cân nếu béo phì, duy trì chỉ số BMI.

- Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn, giảm muối, bổ sung nhiều hoa quả, rau lá xanh đậm, các loại hạt, quả bơ và cá béo,…

- Ngủ đủ giấc: Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mất ngủ có mối liên hệ với tăng huyết áp. Hãy cố gắng xác định nguyên nhân gây mất ngủ để điều trị, đây cũng là cách kiểm soát huyết áp hiệu quả.

- Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu đến chỉ số huyết áp, cho dù đó là căng thẳng ngắn hạn hay kinh niên. Hãy dành thời gian trong một ngày để luyện tập hít thở sâu, thiền, tập thể dục và giải trí.

- Cắt giảm caffein, bỏ hút thuốc: Hãy hạn chế lượng tiêu thụ cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực, chocolate và bỏ hút thuốc để huyết áp luôn ở mức cho phép.

Quốc Hùng