“Bệnh tăng huyết áp vô căn là gì?”Đây là thắc mắc được rất nhiều người quan tâm. Có thể nói, đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát đúng cách và kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Tăng huyết áp vô căn là gì?

Chỉ số huyết áp được biểu thị bằng chữ số bao gồm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp của người trưởng thành thường là 120/80 mmHg. Khi chỉ số trên lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg thì gọi là bị tăng huyết áp. Bệnh chia làm 2 nhóm:

  • Tăng huyết áp thứ phát: Loại cao huyết áp này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong những người mắc bệnh tăng huyết áp. Một số lý do thúc đẩy nguy cơ là: Bệnh thận mạn tính, u tủy thượng thận, cường aldosteron tiên phát, rối loạn thở trong giấc ngủ, sử dụng một số thuốc gây ra tăng huyết áp, hội chứng cushing, vấn đề tuyến giáp hay tuyến cận giáp. Để chữa tăng huyết áp thứ phát thì cần phải giải quyết những vấn đề gây bệnh kể trên.
  • Tăng huyết áp vô căn nguyên phát: Sở dĩ gọi như vậy là vì chưa có nghiên cứu nào tìm ra được nguyên nhân gây cao huyết áp loại này. Tăng huyết áp vô căn chiếm tỷ lệ rất lớn (vào khoảng 95%). Ngay cả trong tiềm thức mọi người, mỗi khi nhắc đến tăng huyết áp thì người ta thường hiểu đó là tăng huyết áp vô căn.

do-huyet-ap-thuong-xuyen-la-cach-phat-hien-benh-nhanh-nhat.webp

Đo huyết áp thường xuyên là cách phát hiện bệnh nhanh nhất

Nguyên nhân, triệu chứng tăng huyết áp vô căn

Giống như tên gọi của nó, tăng huyết áp vô căn rất khó để có thể xác định nguyên nhân chính gây ra. Tuy nhiên những yếu tố nguy cơ sau đây cũng góp phần gây ra bệnh cao huyết áp vô căn:

  • Chế độ ăn nhiều muối: Ăn mặn sẽ khiến người bệnh cảm thấy khát nước, khi uống quá nhiều nước sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn - một yếu tố gây tăng huyết áp.
  • Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, thành mạch máu trở nên xơ cứng và lão hóa hơn. Khả năng đàn hồi thành mạch giảm nên sẽ khiến áp lực lòng mạch tăng lên. Do đó, huyết áp ở người già sẽ cao hơn so với những người trẻ.
  • Yếu tố di truyền: Kết quả nghiên cứu cho thấy trong gia đình có người mắc bệnh tăng huyết áp vô căn nói riêng hay các những bệnh lý tim mạch khác nói chung sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
  • Béo phì: Cân nặng và chỉ số huyết áp có mối tương quan mật thiết với nhau. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng người có cân nặng càng cao thì huyết áp sẽ càng tăng. Cụ thể là bệnh lý này xuất hiện khá nhiều ở nhóm người thừa cân – béo phì.
  • Căng thẳng kéo dài: Cảm xúc tác động rất nhiều đến huyết áp. Một người thường xuyên lo lắng, mất ngủ, căng thẳng sẽ khiến huyết áp tăng cao hơn bình thường.

cang-thang-keo-dai-la-nguyen-nhan-gay-cao-huyet-ap-vo-can.webp

Căng thẳng kéo dài là nguyên nhân gây cao huyết áp vô căn

Triệu chứng tăng huyết áp vô căn diễn biến âm thầm nhưng những biến chứng mà căn bệnh này gây ra thì rất nặng nề. Có những trường hợp người bệnh đi khám và phát hiện chứng bệnh trong quá trình khám những bệnh khác.

Ở một vài trường hợp, người bệnh có thể sẽ xuất hiện những biểu hiện thoáng qua như nhức đầu, ù tai, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ nhẹ... Ở những biểu hiện nặng hơn, người bệnh có thể bị đau nhói vùng tim, thở gấp, suy giảm thị lực, da xanh tái, mặt đỏ bừng, buồn nôn, nôn, hồi hộp, hốt hoảng, đánh trống ngực.

Tăng huyết áp vô căn nguy hiểm ra sao?

Tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp vô căn nói riêng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thậm chí người bệnh có thể gặp phải biến chứng gây tử vong.

Động mạch tổn thương vĩnh viễn

Những động mạch bình thường sẽ giúp máu lưu thông tốt, không bị cản trở. Tình trạng tăng huyết áp lâu dài dễ khiến động mạch bị tổn thương, trở nên ít co giãn và cứng hơn. Chất béo trong máu cũng dễ dàng tích tụ trong động mạch, làm giảm dần lưu lượng máu, gây tắc nghẽn, tăng huyết áp, đau tim và đột quỵ.

Biến chứng tăng huyết áp trên tim

Tăng huyết áp khiến trái tim phải hoạt động quá sức, áp lực mạch máu càng cao thì cơ tim càng phải bơm nhiều, tốn sức hơn. Lâu dần, tim bị giãn ra, đến một mức nào đó sẽ làm tăng các nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy tim, đau tim, đột tử,...

Các biến chứng về não bộ

Não bộ là cơ quan điều khiển các hoạt động cơ thể. Chức năng này chịu ảnh hưởng bởi sự cung cấp máu giàu oxy của tim đến. Ở người bị tăng huyết áp vô căn nói riêng thì lượng máu cung cấp đến não bị giảm đi, điều này dẫn tới xuất hiện những cơn thiếu máu não thoáng qua (TIAs). Nếu sự tắc nghẽn dòng máu đáng kể, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến các tế bào não gây đột quỵ. Tăng huyết áp không kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng nhớ, trò chuyện và suy đoán.

Biến chứng tại thận và mắt

Khi huyết áp lên cao sẽ dẫn đến tăng áp lực lọc lên tổ chức thận, lâu dần gây suy thận. Tại mắt, người bị cao huyết áp có thể gặp các biến chứng như phù đáy mắt, xuất huyết đáy mắt, giảm thị lực, mù mắt. 

Điều trị tăng huyết áp vô căn

Do tăng huyết áp vô căn chưa thể xác định được nguyên nhân gây bệnh nên quá trình điều trị cũng sẽ gặp phải những khó khăn. Đôi khi bệnh chỉ có thể khắc phục những triệu chứng chứ không thể chữa khỏi bệnh triệt để. Người mắc bệnh tăng huyết áp vô căn cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên và có liệu pháp điều trị phù hợp.

Ở những trường hợp tăng huyết áp vô căn nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi lối sống và chế độ sinh hoạt để cải thiện huyết áp và ngăn ngừa biến chứng.

Trường hợp tăng huyết áp vô căn nặng, bên cạnh điều chỉnh thói quen sống, người bệnh cần kết hợp sử dụng các loại thuốc.

Thuốc ức chế men chuyển:

Các thuốc này sẽ tác động vào huyết áp theo cơ chế làm giãn mạch máu của người bệnh. Các thuốc thông dụng có thể kể đến như enalapril, lisinopril, captopril, perindopril. Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng phụ hay gặp nhất là ho khan kéo dài nên người bệnh thường được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để làm giảm triệu chứng này.

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin 2:

Các thuốc thuộc nhóm này hoạt động giống như các thuốc ức chế men chuyển. Do đó, chúng thường được dùng thay thế thuốc ức chế ACE để làm giảm tác dụng phụ. Có thể kể đến một số thuốc trong nhóm này như losartan, olmesartan, candesartan, valsartan.

Thuốc chẹn kênh canxi:

Tác động vào kênh canxi sẽ giúp giãn mạch, làm giảm nhịp tim sẽ giúp làm hạ huyết áp. Các thuốc phổ biến trong nhóm này có thể kể đến là amlodipine, felodipine, nifedipine.

Thuốc lợi tiểu:

Nhóm thuốc này tác động vào huyết áp theo cơ chế làm giảm thể tích tuần hoàn. Lượng nước và muối dư thừa trong cơ thể sẽ được đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu. Nhóm thuốc này thường được sử dụng nếu người bệnh gặp phải nhiều tác dụng bất lợi của thuốc chẹn kênh canxi. Trong đó, indapamide và bentroflumethiazide là hai thuốc phổ biến trong nhóm này.

Thuốc chẹn beta:

Các thuốc nhóm này tác động vào tăng huyết áp vô căn theo cơ chế làm giảm nhịp tim. Đây từng là một nhóm thuốc trị tăng huyết áp phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay chúng chỉ được sử dụng khi các phương pháp khác không còn hiệu quả. Atenolol và bisoprolol là hai thuốc phổ biến của nhóm này.

Nếu bệnh tăng huyết áp vô căn trở nên trầm trọng, huyết áp lên tới 180/110mmHg là báo hiệu rất nguy hiểm. Người bệnh cần được điều trị chuyên khoa sớm để giảm tối đa những biến chứng.

>>> Xem thêm: Tổng hợp các mẹo vặt chữa cao huyết áp tại nhà cực tốt

Phòng tránh tăng huyết áp vô căn

Theo các chuyên gia, thay đổi lối sống sẽ giúp ích cho người bệnh phòng ngừa tăng huyết áp vô căn, từ đó giúp ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

  • Khi bị tăng huyết áp vô căn, người bệnh nên hạn chế tối đa việc dung nạp các chất kích thích, thuốc lá, bia, rượu đưa vào cơ thể.
  • Tránh ăn những thức ăn có quá nhiều muối, bổ sung thêm nhiều rau xanh và các loại trái cây, sử dụng chất béo từ thực vật, hạn chế đồ ăn cay, nóng,...
  • Kiểm soát tâm trạng, giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, hạn chế căng thẳng.
  • Không thức quá khuya, ăn đêm và ngủ đủ giấc mỗi ngày.
  • Dành 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể thao cũng giúp kiểm soát chỉ số huyết áp.

Ngoài ra, sử dụng thảo dược hỗ trợ sẽ giúp ích cải thiện tăng huyết áp vô căn rất nhiều. Hầu hết, các loại thuốc điều trị huyết áp cao hiện nay chỉ tác động một nguyên nhân gây bệnh. Để đạt hiệu quả, người bệnh cần phải sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc bị nhờn thuốc và gặp phải những tác dụng phụ.

su-dung-la-dau-tam-trong-kiem-soat-benh-tang-huyet-ap.webp

Sử dụng lá dâu tằm trong kiểm soát bệnh tăng huyết áp

Trước những tác dụng an toàn mà thảo dược mang lại, người bệnh cần kết hợp sử dụng thêm các loại thảo dược khác như hoàng bá, tỏi, cần tây, dâu tằm,... Khi phối hợp những loại thảo dược này với nhau sẽ đem lại tác dụng hỗ trợ hạ áp an toàn và hiệu quả hơn. Người mắc bệnh tăng huyết áp vô căn nên sử dụng các loại thảo dược này lâu dài để giúp ổn định huyết áp của mình.

Tăng huyết áp vô căn là căn bệnh khá phổ biến. Nếu không chữa trị kịp thời thì căn bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng bất lợi cho sức khỏe người bệnh. Do vậy, người bệnh cần sử dụng thuốc đều đặn và kết hợp sử dụng thảo dược giúp ổn định huyết áp nhé!

Tài liệu tham khảo:

https://www.drugs.com/condition/hypertension.html

https://www.healthline.com/health/essential-hypertension

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539859/