Ngày nay, cụm từ “tăng huyết áp” đã trở nên vô cùng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta nhưng hầu như rất nhiều người có tâm lý “sống chung với lũ” và việc uống thuốc điều trị tăng huyết áp như là ăn cơm hàng ngày. Trong khi đó, đây là một bệnh tiến triển “thầm lặng” và tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tình hình bệnh tăng huyết áp hiện nay

Tăng huyết áp (THA) không chỉ là một bệnh tim mạch thường gặp mà nó đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nền y học thế giới và cả Việt Nam chúng ta với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2000, số người tăng huyết áp chiếm khoảng 26,4% dân số người trưởng thành trên  toàn thế giới và dự tính sẽ tăng lên 29,2% vào năm 2025. Năm 2003 theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới/Hội THA quốc tế (WHO/ISH0) thì tăng huyết áp đứng hàng thứ tư trong số sáu yếu tố nguy cơ chính chi phối gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Ở Việt Nam, các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng tăng nhanh khi nền kinh tế ngày càng phát triển.

Theo các số liệu điều tra cho thấy năm 1960 bệnh THA chỉ chiếm 1% dân số người trưởng thành thì đến năm 2002 trên cộng đồng miền Bắc đã là 16,3%, thành phố Hồ Chí Minh năm 2004 là 20,5%, trong khi đó tỷ lệ người bị THA được điều trị chỉ chiếm 11,49%, còn gần 90% người bị THA vẫn chưa được điều trị. Điều này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn từ bệnh lý tăng huyết áp là rất lớn khi không được can thiệp điều trị kịp thời.

Định nghĩa tăng huyết áp

Huyết áp là số đo về lực tác động của máu lên thành động mạch. Huyết áp phụ thuộc vào lực bơm máu của tim, thể tích máu được bơm, kích thước cũng như độ đàn hồi của thành động mạch.

Ở người lớn khi đo huyết áp theo phương pháp Korottkof, nếu huyết áp (HA) tâm thu ≥ 140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg thì được gọi là tăng huyết áp hệ thống động mạch.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Nguyên nhân gây tăng hyết áp được phân ra làm 2 loại:

- Tăng huyết áp tự phát (tiên phát) không rõ nguyên nhân chiếm 90 – 95% những trường hợp bị tăng huyết áp.

- Tăng huyết áp thứ phát (có nguyên nhân) chiếm 5 – 10% trường hợp bị tăng huyết áp.

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát bao gồm: giảm đàn hồi của động mạch chủ, tăng thể tích tống máu, bệnh lý thận (viêm thận – bể thận, viêm cầu thận…), bệnh nội tiết (cường chức năng thượng thận, u tủy thượng thận…), bệnh lý thần kinh (rối loạn tâm thần, hội chứng tăng áp lực nội sọ…), ăn mặn, stress, di truyền.

Những yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp     

Có nhiều yếu tố tác động làm sớm xuất hiện tăng huyết áp và đẩy nhanh biến chứng do tăng huyết áp gây ra:

Yếu tố bẩm sinh và gen H2: Người da đen có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn và nặng hơn, khó điều trị hơn so với các dân tộc khác.

Yếu tố gia đình: Có nhiều gia đình có ông, bố, con và nhiều người trong gia đình cùng bị tăng huyết áp.

Căng thẳng tâm lý, cảm xúc, căng thẳng về thể lực, thi đấu thể thao, chiến tranh, tri thức, chức vụ cao đảm nhận trách nhiệm cao… dễ bị tăng huyết áp hơn.

Người ăn mặn, người béo phì, dễ bị tăng huyết áp hơn.

Hút thuốc lá, ống rượu cũng dễ mắc tăng huyết áp.

Nữ giới tuổi tiền mạn kinh. Nam giới ≥ 55 tuổi do quá trình lão hóa thành động mạch nên dễ bị tăng huyết áp hơn.

Tăng lipid máu. Đái tháo đường: đặc biệt là đái tháo đường type 2. Vữa xơ động mạch: đối với tăng huyết áp thì vữa xơ động mạch đã thúc đẩy tăng huyết áp nặng hơn và ngược lại. Người ít hoạt động thể lực cũng dễ mắc bệnh.

Những triệu chứng chẩn đoán bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng của tăng huyết áp rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người.

Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: Choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mắt có vệt máu; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn. Một người khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên đa số người mắc tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn người tăng huyết áp thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là "kẻ giết người thầm lặng".

Những biến chứng của tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng trên nhiều cơ quan như: Tim, thận, não, mạch máu,… và diễn biến âm thầm, nặng dần, khiến người mắc chủ quan.  Khi xuất hiện, biến chứng có thể gây tử vong hoặc tàn tật, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điển hình là những biến chứng sau:

- Biến chứng tim mạch: Tăng huyết áp là yếu tố chính gây ra các bệnh tim mạch - Nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong. Nếu bị tăng huyết áp trong thời gian dài sẽ gây phì đại thất trái do áp lực tăng cao tác động lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn, các sợi cơ tâm thất phải gồng mình lên để làm việc, lâu dần sẽ trở nên dày, kém đàn hồi hơn. Thất trái phì đại, cuối cùng dẫn tới suy tim trái với các hậu quả rất nặng nề như: loạn nhịp tim, thiếu máu mạch vành, suy tim phải…

Bên cạnh đó, tăng huyết áp kéo dài sẽ làm hư hỏng lớp nội mạc của mạch vành, dẫn đến các phân tử cholesterol tỉ trọng thấp (LDL – C) sẽ dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào lớp áo trong động mạch vành, hình thành mảng xơ vữa động mạch, từ đó, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

- Biến chứng về mắt: tăng huyết áp có thể làm hư mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch. Khi có quá trình xơ xứng thành mạch thì động mạch sẽ “đè bẹp” tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn, làm giảm thị lực. Tăng huyết áp còn có thể làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác, làm giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.

- Biến chứng về não: Khi huyết áp tăng cao có thể dẫn đến vỡ mạch máu và xuất huyết não; hoặc làm hẹp mạch máu nuôi não, nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não, gây chết 1 vùng não (còn gọi là nhũn não); hoặc tăng huyết áp làm làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến bạn thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh (thiếu máu não).

- Biến chứng trên thận: tăng huyết áp lâu dài làm hư màng lọc của các tế bào thận, cuối cùng là dẫn đến suy thận.

Điều trị tăng huyết áp

Nguyên tắc trong điều trị tăng huyết áp là loại trừ các yếu tố tác động (nguy cơ), điều trị nguyên nhân gây tăng huyết áp, tăng huyết áp vô căn phải điều trị kéo dài suốt đời vì bệnh không khỏi được, dùng thuốc chống tăng huyết áp theo bậc thang điều trị của Tổ chức Y tế thế giới để duy trì mức huyết áp trong khoảng 120-135/80-85 mmHg, kết hợp các phương pháp có hiệu quả khác. Kết hợp điều trị biến chứng do tăng huyết áp gây ra.

Những nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp hiện nay:

Nhóm thuốc lợi tiểu:

- Thuốc lợi tiểu thải muốn nhóm thiazide

- Thuốc lợi tiểu quai

- Thuốc lợi tiểu không gây mất kali

Nhóm thuốc có tác dụng trên hệ giao cảm

Nhóm thuốc giãn mạch

- Thuốc gây giãn mạch trực tiếp.

- Thuốc chẹn dòng canxi.

Nhóm thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin

Nhóm thuốc ức chế thụ cảm thể angiotensin (AT­­1)

Nhóm thuốc tăng tổng hợp Prostacyclin PGI2

Mỗi nhóm thuốc để điều trị tăng huyết áp đều có những chống chỉ định và tác dụng phụ riêng vì vậy cần cân nhắc khi chỉ định và theo dõi sát khi điều trị.

Lối sống cho người tăng huyết áp

Trong điều trị cao huyết áp ngoài chế độ dùng thuốc để hạ huyết áp, cần phải điều chỉnh lối sống cụ thể như sau:

Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh tim mạch qua ảnh hưởng lên các yếu tố nguy cơ như cholesterol, huyết áp, cân nặng, đái tháo đường type 2 và các bệnh mạn tính khác như ung thư. Các chất dinh dưỡng chủ yếu liên quan với bệnh tim mạch là chất béo, chất khoáng (chủ yếu ảnh hưởng huyết áp), vitamin và chất xơ.

Ngủ đủ

Thời gian ngủ trung bình là 8 đến 9 tiếng, mất ngủ, ngủ kém hơn 6 tiếng mỗi đêm có thêm 20% khả năng phát triển tăng huyết áp. Giấc ngủ rất quan trọng để duy trì sức khỏe, vì công việc làm, thay đổi và rút ngắn thời gian ngủ, bạn đang gặp nguy cơ về tăng huyết áp có thể rất khó chữa trị. Khi ngủ, nhịp tim chậm và tim được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực không những gia tăng sức khỏe thể chất mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần. Lối sống tĩnh tại là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Người trưởng thành khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi được khuyến cáo thực hiện hoạt động thể lực ít nhất 150 phút mỗi tuần cường độ trung bình hoặc 75 phút (15 phút trong 5 ngày/ tuần) hoặc phối hợp cường độ nặng hoặc phối hợp tương đương mức độ đó.

Tránh căng thẳng

Căng thẳng tại nơi làm việc và trong đời sống gia đình, trầm cảm, lo lắng và các rối loạn tâm thần góp phần vào nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và tiên lượng bệnh tim mạch xấu hơn.

Không tiếp xúc với thuốc lá ở bất kỳ dạng nào

Là cách phòng tránh hiệu quả nhất đối với bệnh tim mạch. Tất cả thuốc lá hoặc sản phẩm thảo dược cần được ngưng hút vì đây là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe, bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Mọi người được khuyến cáo tránh bị hút thuốc lá thụ động.

Kiểm soát thể trọng

Thừa cân và béo phì liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Do vậy người thừa cân và béo phì cần đạt mức cân nặng phù hợp nhằm làm giảm huyết áp, giảm mỡ máu và nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, cải thiện nguy cơ tim mạch.

Theo dõi huyết áp thường xuyên

Đối với người lớn, huyết áp tâm thu từ 120-129 mmHg và huyết áp tâm trương từ 80-84 mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường. Biết chỉ số huyết áp cá nhân là điều quan trọng, cách duy nhất là đo huyết áp thường xuyên, nhất là khi có các dấu hiệu nghi ngờ, hoặc khi chỉ số huyết áp gần đến giá trị 140/90mmHg. Trong điều kiện sức khỏe bình thường, nguy cơ tăng huyết áp chỉ có thể được phát hiện bằng cách theo dõi số đo huyết áp của mình. Mỗi người có thể tự đo huyết áp tại nhà, hay tại nhà thuốc

Kết hợp thảo dược thiên nhiên – Một giải pháp tối ưu trong hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Một giải pháp được rất nhiều các chuyên gia và người bị tăng huyết áp tin dùng là sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược với thành phần chính là cao cần tây vừa an toàn lại tiện dùng. Cần tây có tác dụng điều hòa huyết, bổ thần kinh. Từ lâu, cần tây được sử dụng để chữa suy nhược cơ thể do làm việc quá sức, trạng thái thần kinh dễ bị kích thích và được dùng để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp. Một số nghiên cứu về tác dụng của cần tây cho thấy: Chiết xuất lá cần tây có tác dụng hạ huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, đồng thời cần tây còn có tác dụng làm giảm lipid máu, giúp giảm nguy cơ tim mạch. Đặc biệt, chiết xuất cần tây không ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp tim ở người bình thường.