Cao huyết áp là bệnh lý thường xảy ra ở nhiều lứa tuổi. Chế độ ăn cho người cao huyết áp đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ cải thiện bệnh. Dưới đây là những gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh cao huyết áp.

Bạn biết gì về cao huyết áp?

Cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, xuất hiện khi chỉ số huyết áp cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Theo thống kê, 90% các trường hợp cao huyết áp là vô căn (không rõ nguyên nhân). Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này, bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Ăn mặn, chế độ ăn sử dụng nhiều muối.
  • Uống nhiều nước chè đặc, cà phê, bia, rượu.
  • Căng thẳng, stress kéo dài.
  • Cao tuổi và xuất hiện sự lão hóa rõ rệt.
  • Tiền sử trong gia đình có người mắc các bệnh lý về huyết áp.
  • Bệnh thận mạn tính.
  • Chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận rối loạn.

Các yếu tố trên có thể cùng kết hợp để thúc đẩy nguy cơ bị cao huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này. Khi mới phát hiện, nếu chỉ ở thể nhẹ, người mắc thực hiện các biện pháp không dùng thuốc cũng có thể cải thiện huyết áp khá tốt. Trường hợp bệnh nặng, phải sử dụng thuốc để điều trị thì vẫn cần kết hợp các liệu pháp không dùng thuốc để có hiệu quả tốt hơn.

che-do-an-nhieu-muoi-cung-gay-ra-cao-huyet-ap.webp

Chế độ ăn nhiều muối cũng gây ra cao huyết áp

Chế độ ăn cho người cao huyết áp

Chế độ ăn cho người cao huyết áp  đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe người mắc bệnh. Theo các bác sĩ tim mạch, chế độ ăn hợp lý giúp hạn chế huyết áp tăng cao và ổn định huyết áp. Ngoài ra, ăn uống hợp lý giúp làm giảm tối đa nguy cơ gặp biến chứng tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ,...

Thực phẩm cho người bị cao huyết áp

Để huyết áp được ổn định hơn, các loại thức ăn cho người bị cao huyết áp rất cần được quan tâm. Dưới đây là các loại thực phẩm có tác dụng tốt với đối tượng này, đó là:

Quả mọng

Hợp chất anthocyanin trong quả mọng có tác dụng chống oxy hóa hiệu quả. Một nghiên cứu trên 34000 người bệnh đã cho thấy, nguy cơ cao huyết áp đã giảm 8% khi họ sử dụng những quả mọng này. Hai loại quả mọng chứa nhiều anthocyanin là dâu tây và việt quất. Bạn có thể dùng chúng tráng miệng sau bữa ăn, xay sinh tố hay trộn cùng với sữa chua uống,… đều mang lại hiệu quả tốt.

Chuối

Chuối là nguồn cung cấp kali lớn, có tác dụng rất tốt trong kiểm soát huyết áp. Nồng độ cao kali trong máu dẫn đến giảm dẫn truyền các xung thần kinh nên làm chậm nhịp tim. Từ đó, lượng máu được tống ra mỗi phút giảm, áp lực máu trong thành mạch cũng giảm theo, máu trở về tim nhiều hơn và huyết áp cũng hạ xuống.

chuoi-chua-luong-kali-cao-co-tac-dung-tot-trong-kiem-soat-huyet-ap.webp

Chuối chứa lượng kali cao, có tác dụng tốt trong kiểm soát huyết áp

Củ cải đường

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, nước ép củ cải đường có thể làm giảm huyết áp nhanh chóng và rõ rệt, thời gian duy trì tác dụng này cũng tương đối dài. Có được công dụng này là nhờ hợp chất nitrat trong củ cải đường có tên là oxit nitric. Để sử dụng củ cải đường, bạn có thể ép lấy nước, nướng hay xào các món ăn. Chỉ 1 cốc nước ép củ cải đường mỗi ngày, sau 4 tuần, bạn có thể thấy những tín hiệu tích cực.

Chocolate đen

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, socola đen (70% cacao) có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp. Bạn có thể ăn trực tiếp, đun chảy rồi trộn với trái cây hay sữa chua.

Yến mạch

Yến mạch là thực phẩm được sử dụng rất nhiều hiện nay. Chất xơ beta-glucan trong yến mạch có tác dụng hạ cả huyết áp tâm thu và tâm trương. Ngoài ra, chất này còn làm giảm cholesterol máu nên không chỉ hạn chế nguy cơ cao huyết áp mà còn phòng chống xơ vữa động mạch.

Cá hồi, cá thu

Cá hồi, cá thu là nguồn cung cấp protein, chất béo omega và vitamin D. Omega-3 trong cá không chỉ hạ huyết áp mà còn có tác dụng chống viêm và giảm triglyceride hiệu quả. Do vậy, đây là loại thực phẩm nên bổ sung trong thực đơn dưới dạng: Cá sốt, rán hay nướng.

Sữa chua tự nhiên

Sữa chua có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp lên đến 20% ở phụ nữ. Điều này ít hiệu quả hơn ở đàn ông. Đây là thực phẩm rất dễ sử dụng và tiện dùng. Do vậy, bạn nên ăn 1 - 2 hộp sữa chua mỗi ngày, không những có tác dụng hạ huyết áp mà còn rất tốt cho đường tiêu hóa.

Hạt dẻ cười

Xuất phát từ vùng đất Ba Tư huyền thoại, hạt dẻ cười du nhập vào Việt Nam và trở thành một trong những loại hạt không thể thiếu trong ngày Tết. Ít ai biết rằng, hạt dẻ cười còn có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp trong những trường hợp cao huyết áp do căng thẳng kéo dài. Nó có tác dụng giảm sức cản máu ngoại vi, giãn mạch và làm chậm nhịp tim hiệu quả.

Lựu

Lựu chứa một lượng lớn các chất có tác dụng chống oxy hóa tự nhiên. Một cốc nước ép lựu không đường vào buổi sáng có thể giúp hạ huyết áp trong thời gian ngắn. Việc ức chế hoạt động của các gốc tự do còn làm chậm quá trình lão hóa và ngăn chặn nhiều bệnh lý khác, đặc biệt là ung thư.

Cần tây và các loại rau xanh

Các loại rau xanh như: Bắp cải, thìa là, rau diếp,… chứa một lượng lớn kali, nó cũng có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp. Phương pháp chế biến các loại rau cũng rất đa dạng, có thể ăn sống, xào hay luộc.

Nhiều người sử dụng cần tây như một vị thuốc để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh cao huyết áp. Theo nhiều nghiên cứu đã cho thấy, cần tây có tác dụng hỗ trợ cải thiện huyết áp thông qua việc làm giãn mạch, giảm thể tích tuần hoàn. Ngoài ra, cần tây còn có tác dụng hỗ trợ làm giảm mỡ máu, từ đó ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch - nguyên nhân góp phần gây bệnh tăng huyết áp.

nen-bo-sung-can-tay-vao-che-do-an-cho-nguoi-bi-cao-huyet-ap.webp

Nên bổ sung cần tây vào chế độ ăn cho người bị cao huyết áp

Người bị cao huyết áp không nên ăn gì?

Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm có ích trong chế độ ăn cho người cao huyết áp thì người bệnh cũng cần tránh xa các loại thực phẩm làm bệnh tiến triển nặng hơn. Theo các chuyên gia, những loại thực phẩm mà người bệnh nên hạn chế tối đa đó là:

Muối: Một trong những kẻ thù lớn nhất của bệnh lý tim mạch đó chính là muối. Ăn quá mặn sẽ khiến bạn uống nhiều nước từ đó gây tăng thể tích tuần hoàn - nguyên nhân gây cao huyết áp.

Đồ ăn chứa nhiều calo: Các loại thực phẩm có chứa lượng lớn calo có thể kể đến như: Hamburger, bắp rang bơ, trà sữa, pizza,... Ăn quá nhiều những thực phẩm này có thể dẫn đến thừa cân, béo phì - yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp.

Thực phẩm giàu chất béo: Chất béo động vật làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch - nguyên nhân dẫn tới chứng tăng huyết áp.

>>> Xem thêm: Ăn uống gì để hạ huyết áp nhanh? Top 20 đồ ăn thức uống cần dùng mỗi ngày

Biến chứng cao huyết áp và phòng tránh

Cao huyết áp là bệnh lý tiến triển âm thầm và để lại nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe người bệnh. Do vậy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất cần thiết. 

Biến chứng của cao huyết áp

Khi phát hiện bị cao huyết áp, nếu như không điều trị ngay mà cứ để mặc cho bệnh tiến triển thì có thể gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề. Cụ thể:

Trên tim mạch

Dưới áp lực cao của máu, lớp nội mạc trong lòng mạch bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích tụ của các cholesterol xấu và tạo ra các mảng xơ vữa động mạch. Đặc biệt, hiện tượng này sẽ trở nên càng nguy hiểm hơn nếu diễn ra ở động mạch vành, khiến lòng mạch hẹp lại và sự cung cấp máu đến tim giảm đi. Khi đó, tim sẽ càng co bóp và đập mạnh hơn để nhanh cung cấp bù máu. Lâu dần sẽ dẫn đến suy tim. Mặt khác, khi xuất hiện mảng xơ vữa thì cũng rất dễ thu hút các tiểu cầu kết tập lại và hình thành cục máu đông, gây bít tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim.

Trên não

Mạch máu não rất mỏng và nhỏ. Vì vậy, các mạch máu này sẽ dễ bị vỡ ra khi áp lực tác động lên thành mạch quá cao dẫn tới tai biến mạch máu não (dạng xuất huyết não). Tùy vào khu vực xuất huyết mà người bệnh có thể sẽ bị liệt nửa người, toàn thân, thậm chí là tử vong. Ở người bị tăng huyết áp, khả năng hình thành cục máu đông rất dễ. Khi di chuyển đến mạch máu não, các cục máu đông này rất dễ gây nhũn não, tắc mạch thậm chí là tử vong.

Trên thận

Cao huyết áp khiến các tiểu động mạch thận chịu tổn thương, lâu dần gây suy thận do các nephron bị phá hủy nhiều. Động mạch thận xơ vữa làm cho lượng máu cung cấp đến đây giảm đi. Lúc này, hệ thống renin - angiotensin - aldosteron sẽ được hoạt hóa và gây cao huyết áp giúp tăng máu đến thận, làm cho bệnh lý càng nặng hơn.

Trên mắt

Biến chứng cao huyết áp có thể làm phá hủy mạch máu ở mắt, gây xuất huyết võng mạc, giảm thị lực,... thậm chí mù lòa vĩnh viễn.

cao-huyet-ap-co-the-gay-xo-vua-dong-mach.webp

Cao huyết áp có thể gây xơ vữa động mạch

Phòng ngừa biến chứng

Hiện nay, trong những giai đoạn đầu của bệnh tăng huyết áp, các chuyên gia ưu tiên sử dụng liệu pháp điều trị không dùng thuốc. Đồng thời những biện pháp này góp phần rất lớn trong việc ngăn ngừa những biến chứng bệnh.

Theo đó, các biện pháp được khuyến khích thực hiện đó là:

  • Luyện tập thể dục thể thao.
  • Giảm cân ở những người đang ở tình trạng béo phì, thừa cân.
  • Thay đổi những thói quen gây nguy hại cho sức khỏe.
  • Lựa chọn các loại thực phẩm tốt và hạn chế những thực phẩm gây bất lợi cho sức khỏe tim mạch.
  • Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên và đi khám định kỳ.

Cao huyết áp thường diễn ra thầm lặng. Để xác định chính xác bệnh và kiểm soát những biến chứng thì bạn cần phải đi khám sức khỏe thường xuyên. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, bạn cũng cần xây dựng một chế độ ăn cho người cao huyết áp hợp lý. Nếu còn bất cứ điều gì băn khoăn về căn bệnh này, bạn vui lòng để lại số điện thoại hoặc thông tin liên hệ dưới bình luận để được giải đáp nhé!

Tài liệu tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/dash-diet/art-20048456

https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/high-blood-pressure-diet

https://www.nhs.uk/conditions/high-blood-pressure-hypertension/prevention/