Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim... khiến nhiều người bị tàn phế, liệt, mất sức lao động. Người mắc bệnh tăng huyết áp cần lưu ý những điều gì? Xin mời quý độc giả theo dõi trong bài viết sau.
Nguyên nhân gì gây tăng huyết áp?
Hầu hết những người mắc bệnh tăng huyết áp thường không có biểu hiện triệu chứng nào. Thậm chí, chính bản thân họ không biết mình đang bị bệnh. Lý do này khiến cho tăng huyết áp được “ưu ái” tặng cho cái tên “kẻ giết người thầm lặng”.
Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp xuất phát từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, lạm dụng thuốc lá và rượu, bia. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015, nước ta có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa trong số này uống ở mức nguy hại. Bên cạnh đó, hơn một nửa dân số ăn ít rau quả, trái cây; nhiều người ăn “rất mặn”, lượng muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những nguy cơ chính gây tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng hơn, dẫn tới những biến chứng về tim mạch, đột quỵ.
Khi nào thì được gọi là tăng huyết áp?
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động tới thành động mạch, giúp đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Bình thường, huyết áp tối đa dao động từ 90-139 mmHg và số đo huyết áp tối thiểu là 60- 89 mmHg.
Huyết áp được gọi là tăng khi huyết áp tâm thu >140mmHg hoặc huyết áp tâm trương >90mmHg, kết luận được đưa ra chỉ sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần việc đo huyết áp. Một số thông tin về huyết áp ở từng độ tuổi cũng cần được xem xét: Dưới 40 tuổi, huyết áp 145/80; dưới 50 tuổi, huyết áp 150/80; dưới 60 tuổi huyết áp 160/90 và trên 60 tuổi huyết áp 165/95 được coi là có khuynh hướng bị tăng huyết áp.
Trong những điều kiện nhất định, huyết áp có thể lên hoặc xuống. Do đó, để biết một người có bị tăng huyết áp hay không, cần phải đo nhiều lần trong ngày, thậm chí là trong tháng. Khi tiến hành đo huyết áp, bệnh nhân phải tuân thủ những yêu cầu của chuyên gia như: không hút thuốc, không uống cà phê 15-30 phút trước khi đo, không bị căng thẳng thần kinh, giữ cho tinh thần thoải mái, quan trọng nhất vẫn là cần thực hiện đo huyết áp đúng phương pháp.
Xử trí như thế nào khi bị tăng huyết áp?
Bản chất của bệnh tăng huyết áp là rất khó phát hiện. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng do tăng áp lực máu lên não như: nhức đầu, mặt đỏ, tai ù, mắt nhìn mờ, chóng mặt, nôn mửa… Khi gặp trường hợp này, tốt nhất nên kiểm tra huyết áp bằng máy hoặc tìm sự trợ giúp của nhân viên y tế gần nhà. Để bệnh nhân nằm nghỉ trong tư thế thoải mái rồi tiến hành đo huyết áp. Sau 5-7 phút nằm nghỉ, lại tiếp tục đo lần hai, nếu huyết áp vẫn cao như trị số ban đầu (khoảng 160/100) thì nên uống thuốc hạ huyết áp.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không được quá vội vàng cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp khi mới đi ngoài nắng nóng về hoặc đang lúc nóng giận... Những trường hợp như vậy, chưa chắc huyết áp đã cao mà nhiều khi do yếu tố ngoại cảnh, thời tiết, tâm lý… cũng có thể gây tăng huyết áp “giả”.
Để phòng chống nguy cơ tăng huyết áp, bạn cần phải:
1. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát được cân nặng của mình. Người bị tăng huyết áp phải tuân thủ việc dùng thuốc và lời khuyên của chuyên gia.
2. Tăng cường ăn rau xanh và trái cây.
3. Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày.
4. Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.
5. Không hút thuốc, hạn chế rượu, bia.
6. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt là đối với người trên 40 tuổi.