Ngày nay, ai cũng biết rằng tăng huyết áp có liên quan rõ rệt với các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim), tổn thương ở não, thận, mạch máu và mắt). Trong đó, các biến chứng ở mắt do tăng huyết áp gây ra bao gồm: tổn thương ở võng mạc, hắc mạc và thị thần kinh.
Nguy hiểm với những biến chứng lên mắt do tăng huyết áp gây ra
Tăng huyết áp sẽ làm cho người bệnh sẽ có thể mắc thêm một số bệnh khác ở võng mạc như: tắc động mạch trung tâm, động mạch nhánh võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm, tĩnh mạch nhánh võng mạc, phình động mạch võng mạc...
Những biến chứng này sẽ dẫn đến các bệnh nguy hiểm hơn ở võng mạc như: xuất huyết pha lê thể và màng trên võng mạc.
Huyết áp tăng cao kéo dài hoặc huyết áp đột ngột tăng cao gây tổn thương hệ thống mạch máu ở võng mạc. Điều này sẽ làm các thành phần của máu thoát ra khỏi mạch máu. Xuất huyết, dịch thoát ra trên võng mạc gây phù võng mạc, lipid thoát ra trên võng mạc tạo thành xuất tiết.
Đồng thời, mạch máu co lại cũng sẽ gây thiếu máu ở võng mạc, thần kinh thị giác. Tất cả những tổn thương này dẫn đến mờ mắt. Đáng nói hơn, những dấu hiệu nguy hiểm đó chỉ được chuyên gia phát hiện được bằng cách soi đáy mắt.
Nếu như chỉ tăng huyết áp vừa phải, thường không có triệu chứng rõ rệt ở mắt, chỉ ở trường hợp tăng huyết áp ác tính (huyết áp >200/140mmHg) mới có triệu chứng như mờ mắt, nhức đầu, bệnh nhân sợ ánh sáng. Người trẻ thường không biết mình bị tăng huyết áp, do đó khi có những triệu chứng này, họ không hề nghĩ là do biến chứng của tăng huyết áp. Thông thường, họ chỉ cảm thấy những triệu chứng không rõ ràng như thở đứt quãng, đau ngực, khó thở khi vận động, ban đêm và cả khi hồi hộp cũng khó thở.
Các giai đoạn tăng huyết áp và tổn thương ở mắt
Biến chứng võng mạc do tăng huyết áp thể hiện ở nhiều giai đoạn khác nhau. Bệnh nhân chỉ cảm thấy triệu chứng khi đã bị quá nặng, còn ở giai đoạn nhẹ hơn, bệnh chỉ có thể được phát hiện bằng cách soi đáy mắt. 4 giai đoạn tăng huyết áp gây tổn thương mắt bạn cần biết đó là:
Giai đoạn 1: Bệnh nhân bị tăng huyết áp kéo dài, không có triệu chứng gì rõ rệt, các cơ quan như thận, tim chưa bị ảnh hưởng. Khám đáy mắt chỉ thấy có động mạch co nhỏ.
Giai đoạn 2: Huyết áp cao hơn, chức năng tim thận vẫn tốt. Ngoài dấu hiệu động mạch võng mạc co nhỏ, xuất hiện thêm dấu hiệu bắt chéo động tĩnh mạch, điều này chỉ các chuyên gia kiểm tra mới phân biệt được.
Giai đoạn 3: Huyết áp khá cao và kéo dài, tim và thận đã bị suy giảm khá nặng, bệnh nhân bị khó thở khi gắng sức. Ở giai đoạn này, đã có tổn thương ở não, tim, võng mạc và suy thận. Soi đáy mắt sẽ có thêm xuất huyết, xuất tiết ở võng mạc.
Giai đoạn 4: Giai đoạn này được xem là tăng huyết áp ác tính, huyết áp rất cao đi kèm với tổn thương nặng ở não, tim, thận và võng mạc. Khi soi đáy mắt, ngoài các dấu hiệu của giai đoạn 3, sẽ có thêm phù gai thị.
Các tổn thương ở võng mạc càng ở giai đoạn nặng thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, tử vong càng cao.
Nếu tăng huyết áp được kiểm soát tốt thì tổn thương ở võng mạc sẽ hồi phục. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị tổn thương võng mạc giai đoạn 4 sẽ bị tổn thương vĩnh viễn ở thần kinh thị giác và hoàng điểm.
Ở người đã bị bệnh võng mạc do đái tháo đường, tăng huyết áp sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Phù gai thị kéo dài sẽ làm teo thần kinh thị giác, do đó làm mắt mờ đi rất nhiều.
Biến chứng võng mạc do tăng huyết áp có thể để lại những tổn thương trầm trọng gây suy giảm thị lực nặng và không thể hồi phục.
Cách giúp bạn điều trị, phòng ngừa biến chứng ở mắt do tăng huyết áp tốt nhất có thể làm là cần phải kiểm soát tốt huyết áp.